Đà Nẵng, Bộ GTVT dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính 2013

Thứ bảy - 06/09/2014 01:41 788 0
Sáng 5/9, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ công bố Chỉ số cải cách hành chính 2013 (PAR INDEX 2013) đối với 19 bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương và 63 UBND tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Kết quả PAR INDEX 2013 cho thấy Bộ GTVT xếp số 1 (đạt 81,06%), xếp thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước (đạt 80,38%), thứ 3 là Bộ Ngoại giao (đạt 80,31%). Vị trí cuối cùng là Ủy ban Dân tộc, với 66,71%.

Kết quả này với 63 tỉnh, thành phố như sau: Thành phố Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu (đạt 87,02%), cao hơn mức trung bình cả nước là 9,46%, cao hơn tỉnh Sơn La - tỉnh xếp hạng cuối cùng trong toàn quốc - 1,48 lần.

Có 7 bộ, ngành tụt hạng gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Thanh tra Chính phủ, Bộ TTTT, Bộ KHĐT, Ủy ban Dân tộc.

Theo Bộ Nội vụ, PAR INDEX là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, khắc phục được tính chủ quan, định tính một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách tính hành chính giai đoạn 10 năm trước.

Đồng thời, bảo đảm việc theo dõi, đánh giá một cách khoa học, hệ thống, định lượng và dựa trên kết quả, huy động được các tổ chức trong bộ máy Nhà nước, tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh một cách thực chất, khách quan, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của CCHC từ cải cách thể chế đến cải cách nền hành chính công...

Theo đó, đối tượng xác định PAR INDEX ở Trung ương là 19 bộ, cơ quan ngang bộ; ở địa phương là 63 UBND tỉnh, thành phố. 

Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp xác định PAR INDEX, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tổ chức sơ kết 2 năm để đánh giá kết quả triển khai, đồng thời lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cải cách hành chính về việc điều chỉnh PAR INDEX nhằm làm cho chỉ số này ngày càng thiết thực, sát với thực tế hơn.

Hội nghị công bố PAR INDEX 2013 một lần nữa quán triệt tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc xác định PAR INDEX được coi là nhiệm vụ thường xuyên hằng năm trong suốt quá trình triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2010-2020.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, các tỉnh, thành phố căn cứ vào PAR INDEX 2013 tổ chức triển khai phổ biến, tuyên truyền về kết quả PAR INDEX 2013 trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cải cách hành chính và việc xác định PAR INDEX hằng năm.

Cùng với đó tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả PAR INDEX 2013 để tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, biện pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện cải cách hành chính, qua đó duy trì hoặc cải thiện PAR INDEX của mình trong những năm tiếp theo. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thông qua PAR INDEX, các bộ ngành, tỉnh, thành phố cần có những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm yếu, những lĩnh vực, tiêu chí, thành phần cho điểm thấp qua đánh giá để nâng cao chỉ số cho những năm tiếp theo.

Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh cần thiết, hướng đến có PAR INDEX ngày càng hoàn thiện, phù hợp hơn.

Theo đó, Bộ Nội vụ cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá những mặt được, hạn chế, yếu kém của việc xác định PAR INDEX 2013; đồng thời, nêu lên những đề xuất nhằm triển khai xác định PAR INDEX thực chất hơn, khách quan hơn ở những năm sau để Chỉ số này thực sự có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy triển khai cải cách hành chính tại các bộ, các tỉnh, hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc, tạo điều kiện và thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan.

Đối với các bộ, ngành có thứ hạng cao, cần duy trì những kết quả đã đạt được, tiến tới nâng cao hơn nữa tác động tích cực của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế-xã hội và chất lượng phục vụ người dân. Các bộ, ngành, địa phương có kết quả thấp cần xem xét nguyên nhân, các vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các nội dung của cải cách hành chính, giúp cải thiện thứ hạng trong những năm sau.

Mỗi một nội dung đánh giá được chi tiết bằng những tiêu chí cụ thể và lượng hoá bằng số điểm cụ thể, với tổng số là 100 điểm.

Nguồn Chinhphu.vn

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại74,267
  • Tổng lượt truy cập41,254,868
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây