Nằm trong chương trình phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong năm 2012, huyện Đăk Song đã triển khai mô hình trồng ớt ngọt Đà Lạt trong nhà lồng. Được đầu tư quy mô và chăm sóc theo đúng quy trình, ớt ngọt đã đem lại lợi nhuận cao cho những hộ tham gia trồng thử nghiệm. Từ khi ớt cho thu, nếu chăm sóc tốt thì cứ nửa tháng có thể thu 1 lần và kéo dài trong 1 năm. Theo tính toán của các hộ nâng dân, chỉ cần giá ớt ngọt ở mức trên 10 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, có thể thu lãi được 50 triệu đồng trên diện tích 500 mét vuông. Tuy nhiên, khi kết thúc mô hình, chương trình hết kinh phí, khu nhà lưới đang được đầu tư với số tiền hàng trăm triệu đồng phải chuyển đổi sang trồng cây khác hoặc bỏ hoang vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2012, mô hình 3 sào măng tây xanh của hộ ông Nguyễn Đức Thể ở xã Kiến Thành, huyện Đăk Rlấp chỉ tồn tại trong vòng mấy tháng rồi cũng nhanh chóng bị phá bỏ để chuyển sang trồng các loại rau xanh. Ông Thể cho biết: trong quá trình triển khai mô hình, ông được sự hỗ trợ rất tích cực của cán bộ chuyên môn và Hội nông dân xã. Cây phát triển tốt và đạt theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến ông Thể không thể gắn bó lâu dài với măng tây xanh là đầu ra của sản sản phẩm. Sau 6 tháng trồng, măng tây xanh đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày ông thu hoạch được từ 5 đến 10 kg măng tây xanh. Và để tiêu thụ được số lượng này, ông phải gởi xe về tận siêu thị Coop Mart tại Buôn Ma Thuật. Sau khi tính toán chi phí đầu tư, vận chuyển, ông Thể đành phá bỏ để trồng rau vì rau xanh cho thu nhập cao hơn và có thể tiêu thụ ngay tại địa phương.
Măng tây xanh cũng là mô hình được ngành nông nghiệp huyện Tuy Đức triển khai với sự hỗ trợ từ Trung tâm khuyến nông tỉnh. Qua quá trình triển khai, mô hình đã được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân, nhưng cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Được biết, tháng 3/2012, huyện Tuy Đức đã triển khai trồng thử nghiệm 1,6 ha măng tây xanh tại xã Đăk R’tih. Theo các hộ trồng mô hình thí điểm cho biết, theo đúng quy trình canh tác của măng tây xanh thì khoảng 8 tháng là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt 5kg/sào/ngày. Riêng tại mô hình ở xã Đăk R’tih, bà con vẫn chưa xác định được nguyên nhân nào khiến măng tây xanh phát triển kém và năng suất măng hầu như không có. Để thực hiện mô hình thí điểm, bà con cũng được tham gia các lớp tập huấn, thực hiện đúng các biện pháp chăm sóc. Ý định của các hộ dân thực hiện mô hình thí điểm măng tây xanh của xã Đăk R’tíh là phá bỏ mô hình để chuyển sang trồng cây khác. Bởi hiện nay, mặc dù măng tây xanh chưa cho thu hoạch đợt nào nhưng chi phí đầu tư lại rất cao.
Nghị quyết Trung ương 04 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị chất lượng nông sản và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Việc các địa phương, ngành chức năng triển khai các mô hình thử nghiệm là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, để các mô hình có thể nhân rộng, phát huy được tiềm năng đất đai, lợi thế của địa phương đối với các sản phẩm nông nghiệp là điều mà nông dân đang mong chờ. Bảo Ngọc – Chấn Hưng |
Nguồn tin: PTTH Đăk Nông