Theo đồng chí Ngôn Trọng Điểm, Bí thư Đảng ủy xã Chư K’nia, để tạo nguồn cũng như phát triển đảng viên người dân tộc Mông, Đảng bộ xã xác định, trước mắt cần phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ đồng bào trong phát triển kinh tế.
Qua công tác tuyên truyền, vận động cũng như học hỏi từ các dân tộc khác, đồng bào Mông đã có ý thức từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, từ chỗ trước đây chỉ trồng đậu, bắp là cây chủ lực, đến nay, bà con đã có vườn tiêu, điều, cà phê với quy mô lớn. Nhiều hộ đồng bào Mông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, rộng rãi và sắm sửa được các phương tiện nghe, nhìn, đi lại.
Ví dụ ở thôn 9, với việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi cách thức sản xuất, đến nay, thôn có 177 hộ thì chỉ còn khoảng 40 hộ nghèo, cận nghèo, còn lại cuộc sống tương đối ổn định.
Ông Lầu Văn Xì, Bí thư Chi bộ thôn 9 cho biết: “Kinh tế cũng là một trong nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, phát triển đảng viên. Bởi kinh tế ổn định thì bà con mới nghĩ đến việc tham gia sinh hoạt vào các tổ chức xã hội, nhận thức về các nhiệm vụ của địa phương cũng nâng lên. Vì vậy, chi bộ thôn hiện có 4 đảng viên sinh hoạt thì đều là dân tộc Mông. Đây là những người có uy tín, kiến thức nên góp phần đáng kể trong việc tuyên truyền, vận động đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến gần hơn với bà con”.
Kinh tế phát triển kéo theo văn hóa, xã hội cũng phát triển theo. Hiện nay, trong vùng đồng bào Mông đã xây dựng được một Trường tiểu học Hùng Vương và một lớp mầm non chủ yếu là con em dân tộc Mông học tập. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ khá cao.
Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với những tiêu chí cụ thể đã giúp đồng bào Mông hiểu hơn về các chủ trương, định hướng để phấn đấu. Điều đáng mừng, tất cả 3 thôn có người Mông sinh sống đều đạt danh hiệu thôn văn hóa; có 2 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa cộng đồng.
Bà con người Mông luôn đoàn kết, gắn bó chung sức vì sự phát triển của địa phương. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các thôn người Mông cơ bản ổn định, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người. Hầu hết bà con đều tin tưởng vào các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Có thể nói, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển là một trong những tiền đề quan trọng trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong vùng đồng bào Mông. Đến nay, Đảng bộ đã tổ chức bồi dưỡng, xem xét, kết nạp được 11 đảng viên là đồng bào Mông.
Các chi bộ thôn 7, thôn 9 và thôn 10 lúc mới thành lập phải bổ sung đảng viên tăng cường thì đến năm 2014 xây dựng được đảng viên tại chỗ. Có những chi bộ đã có từ 3 đảng viên chính thức trở lên là người dân tộc Mông. Công tác quy hoạch cán bộ là người dân tộc Mông cũng được chú trọng. Nhiều đảng viên là người dân tộc Mông đã và đang giữ vị trí bí thư chi bộ, thôn trưởng như bí thư chi bộ 9, bí thư chi bộ 10, thôn trưởng thôn 7, thôn trưởng thôn 10.
Cũng theo đồng chí Điểm thì trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã đã đề ra chỉ tiêu, mỗi năm phấn đấu kết nạp 1 đảng viên người Mông mới. Để làm được điều này, Đảng ủy xã đang tăng cường công tác tuyên truyền, giúp quần chúng hiểu rõ ý nghĩa, trách nhiệm, vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Cấp ủy phân công ủy viên, đảng viên chính thức có kinh nghiệm, uy tín để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên cũng như đi sâu, đi sát quần chúng tạo sự gắn bó, niềm tin đối với tổ chức đảng. Phát động các phong trào thi đua yêu nước cụ thể gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới để thông qua đó phát hiện các nhân tố tiêu biểu, tích cực, tạo nguồn phát triển Đảng.
Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông