Trước hết phải khẳng định, đất đai là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Ảnh: Mai Anh |
Việt Nam là một nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân, nguồn sống chủ yếu từ đất đai. Sở hữu toàn dân tức là mỗi người dân đều có quyền, còn Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền quản lý về đất đai, bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Đồng thời, việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay còn tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai với mục đích bóc lột người sử dụng đất.
Không những vậy, quy định đất đai là sở hữu toàn dân là cần thiết vì đất đai gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đất đai là xương máu của nhiều thế hệ. Quy định này cũng là sự khẳng định và ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta.
Trên thực tế, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện hành đã bảo đảm cho người sử dụng đất đai, chủ yếu là nông dân có các quyền cần thiết như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, được bồi thường, được lựa chọn hình thức sử dụng đất, quyền sử dụng đất lâu dài, quyền cải tạo, bồi bổ đất đai để khai thác có hiệu quả cho cuộc sống…
Chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có thể nói, việc thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Còn việc quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý cũng xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn đất đai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi vì, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và có hạn; là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác.
Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao, nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Hiến pháp là cần thiết và đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta hiện nay, bảo đảm sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia.
Tường Mạnh
Nguồn tin: Báo Đăk Nông