Đêm ấy, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel...

Thứ năm - 06/06/2013 04:39 1.573 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Đêm 31/5/2013, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel - hai người lính ở hai bên hai chiến tuyến từng chĩa súng vào nhau 45 năm trước, bây giờ là hai chính khách, đương ngồi lại với nhau, để bàn về một niềm tin nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, về hòa bình khu vực - trong đó có lợi ích cốt lõi và chính đáng của mình.

Giờ giải lao phiên họp Quốc hội sáng 3/6/2013, cánh ký giả dõi những tia nhìn sốt ruột về phía cuối hành lang. Phía ấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đương chuyện trò gì đó...
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP.

Nhưng ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son, dường như đọc được sự sốt ruột của quân mình? Chất giọng vừa đủ của ông cất lên vừa may và kịp để khiến những sải bước của Thủ tướng gần lại với cánh báo chí. Và thế là các cung bậc của những câu hỏi gấp gáp chừng như tiếp nối dư âm Hội nghị Shangri-La mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính.

Thưa Thủ tướng, tại sao Thủ tướng lại chọn chữ tín là âm hưởng chủ đạo của Hội nghị? Cuộc gặp giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel mà báo chí từng mô tả là cuộc chuyện trò thú vị cụ thể ra sao và như thế nào? vv... và vv...

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 này được tổ chức tại Singapore từ ngày 31/5 đến 5/6/2013. Đây là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm trao đổi thẳng thắn về tình hình các vấn đề khu vực và quốc tế, định hướng chiến lược về những vấn đề có tác động đến an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin... Đây cũng là dịp để các nước bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng, an ninh của mỗi nước. Bài phát biểu chính trong buổi lễ khai mạc Shangri-La 12 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, chiều ngày 31/5 ngay lập tức là tâm điểm chú ý của dư luận.

Chừng như buổi dạ yến khai mạc Đối thoại hôm thứ Sáu ngày 31/5/2013 không được ghi vào chương trình chính thức của Hội nghị? Nhưng cuộc trao đổi bên lề giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel với diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La năm nay, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã là trung tâm thu hút sự theo dõi của báo giới?

Thủ tướng trao đổi với đại biểu giờ giải lao thảo luận về Hiến pháp - Ảnh: VnEconomy
Thủ tướng trao đổi với đại biểu giờ giải lao thảo luận về Hiến pháp - Ảnh: VnEconomy.

Đồng điệu

Như chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì bắt đầu buổi chiêu đãi, các bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Indonesia, Đông Timo, Hàn Quốc... đang trao đổi với ông thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tay cầm ly rượu đi tới...

Xin chúc mừng ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui vẻ cảm ơn và nhã nhặn hỏi lại, lý do ngài chúc mừng là gì vậy? Ông Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tươi cười: là vì sự thẳng thắn của ngài. "Bởi quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị này không chỉ mang tính chất xây dựng, kêu gọi các nước cùng nhau đoàn kết, xây dựng củng cố niềm tin mà còn mang đến một cách tiếp cận mới, mang tính đột phá. Chính vì sự rõ ràng thẳng thắn của ngài, mà như ngài và các ngài đây đã rõ, trong phát biểu của mình, chúng tôi cũng thẳng thắn sòng phẳng theo!" - ông Chuck Hagel nói.

Ông Hagel cũng cho biết trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ “ưu tiên triển khai” các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tại Thái Bình Dương. Ông cũng tiết lộ Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống vũ khí tân tiến khác trong khu vực.

Thú vị, trùng hợp hay ngẫu nhiên, cuối bài phát biểu của mình sau khi ngỏ lời mời bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tới tham dự cuộc gặp do Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Hawaii vào năm 2014, Bộ trưởng Chuck Hagel đã nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin chiến lược “Các mối quan hệ, lòng tin và sự tin cậy là những nhân tố quan trọng nhất trong khu vực”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

 

Trở lại với buổi dạ tiệc. Người ta đã kịp bố trí chỗ ngồi cho Bộ trưởng Chuck Hagel bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và giữa Thủ tướng và ông Bộ trưởng đã có cuộc trao đổi cởi mở về quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, vốn đang phát triển trong những năm gần đây mà các phương tiện truyền thông từng đề cập.

Giữa hai người lính

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hơi ngạc nhiên khi Bộ trưởng Chuck Hagel bất ngờ với câu hỏi, thời điểm năm 1968 Thủ tướng đang ở đâu?

Thời điểm cam go ác liệt sau Tết Mậu Thân 1968, người lính Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là trung úy đại đội trưởng thuộc bộ đội địa phương. Chính đơn vị của trung úy Nguyễn Tấn Dũng với trang bị vũ khí còn sơ sài đã phải liên tục trải qua những trận đánh ác liệt, các cuộc đọ súng với Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ thiện chiến. Tình cờ và trớ trêu, Sư đoàn 9 bộ binh cũng là Sư đoàn mà trung sĩ Chuck Hagel đang phục vụ. 

Những người lính địa phương khi ấy đã vượt qua biết bao gian khổ mất mát, mưu trí dũng cảm để bám dân, để sống sót và sau đó nuôi dần lực lượng, phối thuộc với các đơn vị chủ lực khác lật lại thế đứng trên chiến trường Khu 9.

Thủ tướng cũng chia sẻ với Bộ trưởng Hagel hoàn cảnh bốn lần bị thương của mình. Ông Hagel phá lên cười thoải mái khi Thủ tướng nói rằng khi ấy, rất có thể trong một trận đánh nào đó, đơn vị của ông đã từng chạm súng ác liệt với đơn vị của trung sĩ Hagel... Vâng, có thể có thể lắm...

Chính khách Chuck Hagel lúc này dường như đã thoắt trở lại viên trung sĩ Chuck Hagel của thời ác liệt Mậu Thân 1968.

Hagel đến Việt Nam tháng 12 năm 1967. Khi ấy là lính lục quân và ngay sau đó được điều động đến đồn trú gần biên giới với Campuchia cùng tiểu đội của em trai mình là Tom. Tháng 3 năm 1968, tiểu đội đạp phải mìn trong rừng, các bộ phận cơ thể của binh sĩ bắn tung tóe và một mảnh đạn găm vào ngực của Hagel. Tom Hagel đã băng bó cầm máu cho anh trai Chuck. Rồi vào tháng 4 năm đó, Chuck lại cứu em trai khi xe bọc thép của hai anh em, với Tom trên tháp pháo, một lần nữa vướng mìn.

Hagel cuống cuồng kéo người em trai đang ngất ra khỏi đống đổ nát, bởi biết rằng chiếc xe có thể sớm phát nổ, khi màng nhĩ của hai anh em gần như rách tung, khuôn mặt Hagel đã bị cháy xém. Sau đó hai người được cáng đến bệnh viện dã chiến.

Ngài biết không, trước khi đến đây, tôi đã dừng chân ở Hawaii... Đó là khi ông Hagel đã bộc bạch với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, ông đã cùng ăn tối với các quan chức trong Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tại khách sạn Halekulani. Khách sạn ấy gợi lại cho Hagel kỷ niệm. Năm 1968, trung sỹ Chuck Hagel và em trai Tom đã có một tuần nghỉ ngơi ở đây trong thời gian nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.

“Tôi không phải theo trường phái hòa bình - Tôi tin vào việc sử dụng vũ lực, nhưng chỉ sử dụng vũ lực sau một quá trình hoạch định rất cẩn thận. Cái đêm hôm Tom và tôi được cáng ra khỏi ngôi làng đó vào tháng 4 năm 1968, tôi tự nói với mình: Nếu tôi ra khỏi nơi đây được và nếu tôi có vị thế để tác động vào chính sách thì tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để tránh chiến tranh vô ích và vô nghĩa”.

Lúc chia tay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Bộ trưởng Chuck Hagel thăm Việt Nam. Ông Hagel đã vui vẻ nhận lời.

Đêm 31/5/2013, cựu trung úy Nguyễn Tấn Dũng và cựu trung sĩ Chuck Hagel - hai người lính ở hai bên hai chiến tuyến từng chĩa súng vào nhau 45 năm trước (cả hai đều may mắn sống sót qua cuộc chiến), bây giờ là hai chính khách, một là Thủ tướng; một là Bộ trưởng Quốc phòng, đương ngồi lại với nhau, đương cố thu hẹp những khoảng cách này khác để bàn về một niềm tin nhằm củng cố, giữ gìn an ninh châu Á, về hòa bình khu vực - trong đó có lợi ích cốt lõi và chính đáng của mình.

Nhân loại có lẽ sẽ kém đơn điệu và phong phú hơn khi có những cuộc ngồi với nhau như thế?

Theo Xuân Ba
Tiền Phong

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập114
  • Hôm nay5,789
  • Tháng hiện tại53,287
  • Tổng lượt truy cập41,233,888
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây