|
Cán bộ bộ phận “một cửa” huyện Đắk Glong hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân |
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai công tác CCHC giai đoạn 2000-2010, năm 2011, UBND huyện Ðắk Glong đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp thảo luận, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để thống nhất, xây dựng kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015.
Trên cơ sở đó, ngoài việc thực hiện đồng bộ nội dung CCHC tổng thể giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và tỉnh, huyện đã tập trung vào một số lĩnh vực như cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy nhà nước và từng bước hiện đại hóa nền hành chính công.
Theo đó, đối với cải cách thể chế, huyện đã từng bước nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mang tính hiệu lực, hiệu quả cao, đúng với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trên cơ sở rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, huyện đã có những sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, hướng dẫn có liên quan trong các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền.
Huyện cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ 14 thủ tục hành chính trên các lĩnh vực không còn phù hợp, cản trở đến phát triển chung, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân; đồng thời thường xuyên cập nhật các thủ tục hành chính mới ban hành để phục vụ công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ. Hiện nay huyện đã công khai 140 thủ tục hành chính đối với cấp huyện, 133 thủ tục hành chính đối với cấp xã để cá nhân, doanh nghiệp tiện lợi trong việc tham khảo, phục vụ nhu cầu giao dịch.
Trong công tác cải cách tổ chức bộ máy, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo phòng, ban chuyên môn rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời quản lý, luân chuyển, điều động vị trí công tác phù hợp. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, huyện đã luân chuyển 7 cán bộ địa chính cấp xã, thị trấn, 10 cán bộ kế toán đủ 3 năm công tác tại một đơn vị…
Nổi bật nhất có thể kể đến việc áp dụng mô hình “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất của các xã trên địa bàn còn khó khăn, nhưng hiện 7/7 xã, thị trấn của huyện đã đưa vào áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Huyện đã mạnh dạn đưa lĩnh vực đất đai, địa chính vào cơ chế “một cửa” liên thông áp dụng cho 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Ðây được xem là bước đột phá để huyện từng bước xây dựng nền hành chính công vì dân phục vụ. Nếu như trước đây, để giải quyết thủ tục trong lĩnh vực đất đai, người dân ở các xã cách xa trung tâm phải nhiều lần đi đến nhiều nơi để hoàn thành thủ tục thì nay họ chỉ cần đến “một cửa” liên thông ở xã thực hiện các thủ tục và sau đó đến lấy kết quả.
Theo UBND huyện Ðắk Glong, từ đầu năm 2013 đến nay, bộ phận “một cửa” và “một cửa” liên thông hai cấp trên địa bàn đã đăng ký khai sinh cho 739 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 100 cặp vợ chồng; chứng thực 9.536 trường hợp với 21.354 bản sao và tiếp nhận, giải quyết trên 1.000 hồ sơ giao dịch đất đai cho các tổ chức, cá nhân.
Nhìn chung, các thủ tục hành chính cơ bản được cán bộ giải quyết đúng quy trình, đảm bảo đúng thời hạn theo quy định, tạo được sự hài lòng từ phía người dân. Ðể từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cuối năm 2012, huyện đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng, vận hành cơ chế “một cửa” liên thông điện tử theo hướng hiện đại tại UBND huyện để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ðược biết, hiện mô hình này đang được đầu tư “phần cứng” tức hạ tầng cơ sở, máy móc, trang thiết bị và huyện cũng chuẩn bị cử cán bộ đi học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC, huyện cũng thường xuyên quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập phát sinh nhằm đôn đốc các địa phương khắc phục, đảm bảo giao dịch hành chính thông suốt, tạo thuận lợi nhất cho mọi cá nhân, tổ chức.
Bài, ảnh: Hà An