|
Công nhân Điện lực Chư Jút triển khai lắp đặt hệ thống đo đếm cho các hộ dân |
Trong đó, nhiều đường dây điện được mắc nối chằng chịt, chồng chéo trên các trụ tre, nứa hoặc sà xuống dưới đất. Nhiều nơi, dây điện lại nằm chùng xuống ngay ven đường hoặc sát mái nhà dân. Một số công tơ lại đặt ở những vị trí mất an toàn, gây cháy chập hoặc ảnh hưởng tới tính mạng cho người qua lại vào bất cứ lúc nào.
Nguy hiểm hơn cả là việc người dân tự đấu nối đường dây điện và cơi nới nhà cửa, vi phạm hành lang an toàn lưới điện…Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, sau khi lưới điện được bàn giao về cho ngành Ðiện quản lý, những hạn chế trên đã cơ bản được khắc phục.
Thực tế, lưới điện tiếp nhận từ các HTX trên địa bàn do vận hành đã hơn chục năm, lại không được đầu tư, sửa chữa, cải tạo thường xuyên nên cũ nát rất nhiều. Vì vậy, sau khi tiếp nhận, đơn vị đã lựa chọn các đoạn đường dây thuộc khu vực đông dân cư sinh sống hoặc có hệ thống lưới điện cũ nát, tình trạng kỹ thuật kém, chất lượng điện áp thấp, không đảm bảo an toàn… để ưu tiên sửa chữa và thay mới trước.
Ðơn vị cũng nhanh chóng lập phương án đánh giá lại toàn bộ số trụ và triển khai cập nhật chi tiết số lượng khách hàng trên từng chân trụ theo từng trạm biến áp (TBA), để làm cơ sở tiếp nhận và cải tạo hệ thống đo đếm về sau. Nhờ đó, đến nay, về cơ bản, việc đầu tư nâng cấp các đường dây hạ áp, nâng dung lượng các TBA phụ tải để đảm bảo bán kính cấp điện đã tương đối hoàn chỉnh.
Cụ thể, tại khu vực xã Ðắk D’rông, đơn vị đã thực hiện tiếp nhận và thay thế công tơ đo đếm cho 1.600 khách hàng; đồng thời, nâng dung lượng các TBA, để đảm bảo công suất cấp điện cho toàn bộ khu vực trong xã. Thông qua các nguồn vốn đầu tư, đến nay, đơn vị cũng đã xây mới được 13 km đường dây hạ áp, gần 5 km đường dây trung áp và 3 TBA có dung lượng là 225 kVA…
Tại địa bàn xã Nam Dong, vào đầu năm 2010, đơn vị cũng đã tiến hành thay thế toàn bộ hệ thống đo đếm, gồm hơn 3.800 công tơ 1 pha và 300 công tơ 3 pha kèm theo phụ kiện hộp Coposit, cáp vào, ra; đồng thời thay thế hơn 5 km đường dây hạ áp dây trần, để lưới điện vận hành an toàn, giảm tổn thất. Bên cạnh đó, việc sửa chữa các tuyến đường dây hạ áp do dân tự kéo, các cột tạm cũng được tiến hành thường xuyên.
Ngoài việc xây dựng mới 4 km đường dây trung áp và 13 km đường dây hạ áp thay thế cho đường dây cũ nát, hiện tại, đơn vị cũng đang tiến hành đầu tư xây thêm 13 km đường dây hạ áp khác và thi công 2 TBA, với dung lượng 320 kVA…
Tại địa bàn các xã Nam Dong và Ðắk D’rông, 2 đội quản lý điện tổng hợp đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ ghi chỉ số, thu tiền điện và xử lý kịp thời các sự cố trong khu vực. Nhờ đó, ở đây, tình trạng sụt áp tại cuối nguồn không còn xảy ra. Mặt khác, do được thay các đường dây mới, xây dựng cột kiên cố, dây bọc nên đã giảm tổn thất, tránh được các sự cố và tai nạn về điện, đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn…
Ông Trần Xuân Ðà, người dân ở thôn 6, xã Nam Dong cho biết: “Trước đây, việc sử dụng điện ở khu dân cư thường xuyên mất ổn định, nhất là vào các giờ cao điểm. Việc xử lý sự cố cũng không được kịp thời, dây dẫn lại cũ nát nên gây mất an toàn. Từ khi lưới điện được bàn giao về cho ngành điện quản lý, những hạn chế trên đã được khắc phục ngay. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là số lần và thời gian mất điện đã được giảm thiểu. Người dân được mua điện đúng với giá quy định”…
Cũng theo ông Hiệp thì thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), tất cả những nhánh rẽ và một số đường dây trung áp còn lại trên địa bàn sẽ được đơn vị triển khai và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2013, để đảm bảo cấp điện thường xuyên, liên tục cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể nói, thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý, đến nay, Ðiện lực Chư Jút đã hoàn thành việc tiếp nhận từ các HTX dịch vụ điện trên địa bàn. Ðây là điều kiện để đơn vị kiện toàn lại bộ máy quản lý, tranh thủ các nguồn vốn để từng bước đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: Lê Dung