Bị chấn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối phải do té ngã lúc chơi quần vợt, anh N.T.T (37 tuổi; trú quận Gò Vấp, TP HCM) phải ở nhà dưỡng thương vài tuần cho đến khi được bác sĩ (BS) cho phép vận động trở lại.
Đi bộ để bắt... Pokémon
Tạm thời không chơi quần vợt nữa, anh T. chọn phương pháp đi bộ. Sau vài ngày luyện tập, anh cảm thấy cơn nhức ở bên chân đau giảm bớt nên hào hứng tăng dần quãng đường và chọn nơi có nhiều dốc, cầu thang để đi.
Sau gần 1 tuần “đổ mồ hôi” với bài tập đi bộ và cố gắng “tập nặng cho khỏe” theo cách nghĩ cá nhân, bên chân từng bị chấn thương của anh T. không còn cảm giác dễ chịu, bớt đau như những ngày đầu mà bất ngờ đau nặng thêm và có dấu hiệu sưng phù. Người bạn BS từng chữa cho T. biết chuyện cứ trách mãi vì anh không chịu hỏi kỹ trước khi chọn phương án tập luyện.
Chuyện của ông H.V.D (61 tuổi) thì khá hài hước. Thấy con trai suốt mùa hè chỉ ngồi chơi game, năn nỉ lắm mới chịu vận động bỗng mấy tuần nay lại vui vẻ ra công viên, ông thầm tìm hiểu và biết cu cậu đang ghiền Pokémon GO. Đây là một trò chơi buộc người ta phải di chuyển để tìm bắt Pokémon và “luyện” cho các chú Pokémon của mình thêm mạnh. Thấy hay hay và cũng đang ngán đi bộ thể dục mỗi sáng, ông D. thử chơi và buổi tập đi bộ trở nên hào hứng thấy rõ.
Tuy nhiên, ông D. lại nhanh chóng nghiện “món” này nên thay vì thỉnh thoảng mới mở điện thoại, ông cầm suốt nó để hy vọng bắt được các chú Pokémon lạ trên đường đi. Sau vài ngày tập thể dục kiểu mới, ông phải đi châm cứu vì cột sống cổ đau ê ẩm. Vừa đi bộ vừa “chúi mũi” vào điện thoại tạo ra một tư thế cúi gập cổ không hề tốt, chưa kể một lần ông đã bị vấp té vì quá chăm chú nhìn màn hình mà không chịu quan sát đường đi.
Có chấn thương cũ: Coi chừng
Theo BS Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh, đi bộ là bài tập thể dục rất tốt, tăng cường sự dẻo dai cơ bắp và dễ thực hiện, người trẻ hay người già đều có thể tập. Tuy nhiên, ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương, sụn mới kém đi nhiều nên không ít trường hợp, nếu sử dụng “phí phạm” có thể làm hệ xương khớp hư hỏng nhanh hơn.
Vì thế, người lớn tuổi khi đi bộ không nên đi quá nhanh và quá nhiều, nhất là những người không có thói quen vận động thường xuyên từ thời trẻ. Nếu người nào đi bộ về mà đau ê ẩm, mỏi nhừ các khớp… thì rất có thể đã tập quá sức và vô tình gánh lấy các tổn thương cơ, xương, khớp - tuy là tổn thương nhỏ nhưng lâu ngày sẽ gây hại không ít cho sức khỏe.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho rằng việc đi bộ nghe đơn giản nhưng nếu người nào có vấn đề ở vùng chân thì nên cân nhắc và có thể hỏi ý kiến BS khi quyết định lựa chọn môn thể dục, thể thao nào đó. Ví dụ, với người vừa tạm hồi phục sau chấn thương dây chằng hay người bị thoái hóa khớp gối thì đi bộ không hẳn là bài tập tốt bởi sẽ tạo áp lực bất lợi lên vùng gối. Nếu thay bằng bài tập đạp xe tại chỗ hay bơi lội thì vừa tốt cho sức khỏe tổng thể vừa tốt cho cả vùng từng bị chấn thương.
Tập sai cách sẽ có hại
BS Lý khuyên khi mới tập luyện hay tập lại sau một thời gian tạm ngưng, nên có khởi đầu nhẹ nhàng trong những ngày đầu rồi từ từ tăng dần. Lý do là cơ thể đã quen với việc ít vận động, nay đột nhiên tập quá nặng thì khó tránh những cơn đau, những chấn thương vi thể… Khi tập nên chú ý uống bù nước và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu vì mục đích giảm cân mà ăn uống kiêng khem quá độ song song với tập luyện thì không tốt chút nào.
Các chuyên gia lưu ý trong lúc tập thể dục, thể thao, nhiều người đã kết hợp nghe nhạc, nghe đài cho “đỡ buồn”… Tuy nhiên, nếu hành động đó tạo ra tư thế xấu, như cúi gập cổ để nhìn vào màn hình smartphone, thì không nên. Cũng cần loại bỏ suy nghĩ không đúng như đi bộ chỉ là bài thể dục đơn giản, không tiêu tốn nhiều sức lực, thậm chí chỉ để “vận động”, “tập sao cũng được”… Thực ra, đi bộ là bài thể dục đốt cháy nhiều năng lượng và tác động đến nhiều hệ thống trong cơ thể. Cũng như tất cả các môn thể dục - thể thao khác, đi bộ sai phương pháp thì chắc chắn có hại.
Hãy chọn địa hình phẳng
Theo BS Vương Hữu Định, khi đi bộ thì tốt nhất nên đi trên mặt phẳng, tránh đường gập ghềnh, nhiều đoạn dốc hay cầu thang. Đặc biệt, nên lưu ý việc leo cầu thang nhiều khi đi bộ không hề tốt như mọi người nghĩ, nhất là với người có trọng lượng cơ thể lớn hoặc “có vấn đề” ở vùng gối. Bởi lẽ, khi di chuyển trên cầu thang, lực tác động lên khớp gối sẽ gấp 3 lần bình thường. Nên tập vừa sức, nếu có dấu hiệu đau khớp, nhức khớp hay mỏi cơ thì cần xem lại chế độ tập luyện.
Nguồn tin: NLĐ Online