Điểm chưa trúng nạn lãng phí

Thứ bảy - 08/06/2013 11:48 1.063 0
Dự Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đánh giá là không khả thi, thiếu chế tài và chưa điểm trúng trọng tâm

Ngày 6-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) (THTK - CLP) và Luật Đấu thầu (sửa đổi - gọi chung là dự luật). Hầu hết ý kiến các đại biểu (ĐB) QH cho rằng cả 2 dự luật này như luật “khung”, tính khả thi thấp, khó chống được lãng phí, tiêu cực.

“Đi hàng hai”!

Khẳng định sự cần thiết phải sửa Luật THTK - CLP nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng ban soạn thảo dự luật này đã “đi hàng hai”. “Ban soạn thảo không dám nhìn thẳng vào sự thật về quốc nạn lãng phí dẫn đến luật sửa đổi không khả thi là thiếu nghiêm túc với QH, với nhân dân” - ĐB Quyết Tâm nhận định.

ĐB Quyết Tâm dẫn chứng Điều 35 của dự luật về lễ động thổ, khởi công, khánh thành…: “Các sự kiện lãng phí từ khâu mời ĐB đến tặng quà. Vậy tiền ở đâu ra, đó là tiền thuế của dân. Vậy mà dự luật giao Chính phủ quy định giống như luật “khung” thì rất tiếc công làm luật, mất thời gian của QH” - ĐB Quyết Tâm nói.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đứng) “rất thất vọng” khi dự Luật Đấu thầu thiếu quy định về đấu thầu thuốc. Ảnh: THẾ DŨNG

Cùng đánh giá này, ĐB Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng chỉ cần tiết kiệm những việc nhỏ như tặng quà trong các hội nghị, bắn pháo hoa trong các sự kiện cũng tiết kiệm rất nhiều cho xã hội; chưa nói đến việc lớn hơn từ xăng, xe công...

Còn ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho biết 20 tỉ đồng lãng phí mỗi năm là một con số không hề nhỏ mà  nguyên nhân chính là do pháp luật tạo nhiều cơ hội để các cơ quan lãng phí nhưng dự luật THTK - CLP lại chưa điểm trúng quốc nạn này.

Làm 1 đồng, phá 10 đồng

Tiếp tục mổ xẻ lãng phí, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, dự luật không làm rõ vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). “Có dự án 10 năm vẫn chưa xong GPMB, gây tổn hại đến người dân nhưng chế tài cho việc này không thấy trong dự luật. Lãng phí nguồn lực đất đai thời gian gây bức xúc người dân cũng không thể tính toán hết” - ĐB Tâm nói.

Cũng vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai, góp ý dự Luật Đấu thầu, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP HCM) băn khoăn khi dự luật quy định 10 loại dự án được chỉ định thầu. Theo ông Đạt, quy định này cần rõ ràng hơn vì ở nhiều dự án, công tác GPMB giao cho địa phương thường chậm, gây lãng phí lớn.
 
ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) phân tích thêm: “Nhiều dự án chi phí GPMB chiếm 70%-80%  tổng vốn đầu tư nhưng quy định không hợp lý đã gây bức xúc dẫn đến GPMB rơi vào tình cảnh nhà nước đối chọi với người dân. Vì vậy cần xã hội hóa việc GPMB”.

Hâm nóng phiên thảo luận, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nói: “Hàng ngàn hécta đất thu hồi của  dân rồi để hoang hóa. Rồi chợ, thủy lợi, đê kè, cảng để cỏ mọc hoặc vừa xây xong đã hư. Làm 1 đồng phá 10 đồng, thậm chí chưa làm được gì thì kinh khủng quá! Do vậy, sửa luật là tối cần thiết vì luật này liên quan đến chống tham nhũng” - ĐB Đương nhìn nhận.

ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) cho rằng so với luật hiện hành thì dự luật chưa khắc phục được nạn lãng phí. “Việc sử dụng vung vãi nguồn lực của đất nước ở các doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines là điển hình về lãng phí. Tôi thực sự chưa yên tâm về giải pháp” - ĐB Dung nói.

Một bất cập khác ảnh hưởng đến hầu hết người dân, theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM), là việc thiếu quy định về đấu thầu thuốc trong dự luật Đấu thầu. “Ngành y tế kỳ vọng dự luật sẽ quy định rõ về đấu thầu thuốc vốn còn rất mơ hồ dẫn đến chậm trễ, thủ tục nhiêu khê và có thể chất lượng thuốc có vấn đề. Tuy nhiên, đọc dự luật, chẳng thấy gì mới” - ĐB Lan thất vọng.

Dự luật Đấu thầu quy định từ 500 tỉ đồng trở lên phải đấu thầu.  ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cảnh báo: “Người ta sẵn sàng chia nhỏ dự án hoặc lập dự án chỉ 499 tỉ thôi để được chỉ định thầu. Nên soạn các điều luật để hạn chế lách luật trong đấu thầu từ mức khống chế đến đấu thầu kiểu quân xanh quân đỏ” - ĐB Hà góp ý.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo ĐB Võ Thị Dung, giải pháp dự luật đưa ra thiếu chế tài; chỉ như phong trào, hô hào, vận động thì khó có hiệu quả. Dẫn Điều 7 dự luật về giám sát, ĐB Dung cho rằng vừa trùng lắp và khó thực hiện bởi nói là đề cao quyền hạn giám sát của xã hội nhưng thực tế thì không khả thi.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị dự luật phải có định lượng cụ thể; bảo đảm công khai, minh bạch; có chế tài xử lý hành chính, thậm chí cả xử lý hình sự nếu gây lãng phí lớn. Phải quy định công khai các hoạt động quản lý và cả sử dụng tài sản nhà nước. Đặc biệt, việc kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phải được công khai giống như niêm yết trên thị trường chứng khoán.
 
ĐB Đỗ Văn Đương góp thêm: “Dự luật phải tạo điều kiện cho nhân dân tham gia chứ “bí mật” thông tin thì dân biết đâu mà chống!. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để làm gương. Sếp lấy xe công đưa vợ về quê thì nói sao được cấp dưới. Phải kỷ luật người đứng đầu và nếu nghiêm trọng thì phải truy cứu  trách nhiệm hình sự. Hiện nay, cứ quyết toán xong là có tiền; dự toán ít, quyết toán nhiều. Lãnh đạo thì cứ sáng vác ô đi, tối vác ô về; thiếu trách nhiệm mà không bị xử lý”.

ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) lập luận: “Chống lãng phí phải trên cơ sở THTK được duy trì thường xuyên”. Theo ĐB Hải, dự luật cho rằng THTK - CLP trên cơ sở cải cách hành chính là chưa hoàn toàn đúng mà phải dựa trên kết quả cuối cùng. “Muốn THTK - CLP thì phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu bằng hiệu quả trong sử dụng tài chính, tài sản nhà nước” - ĐB Hải nói.  

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị quy định về chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến cùng của người đứng đầu trong việc phê duyệt thầu.

“Năm lĩnh vực gây lãng phí nhất: Tài sản nhà nước (đất, trụ sở, ô tô công…); chi tiêu công; sử dụng trái phiếu chính phủ; doanh nghiệp nhà nước và khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên” - ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

Chọn 4 bộ trưởng để chất vấn

Ngày 6-6, Đoàn Thư ký kỳ họp đã gửi danh sách 5 vị bộ trưởng, trưởng ngành dự kiến sẽ trả lời chất vấn để xin ý kiến ĐBQH quyết định, gồm bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch;Thông tin và Truyền thông cùng Viện trưởng VKSND Tối cao. Từ 5 “tư lệnh” ngành này, các ĐBQH sẽ chọn ra 4 vị để chất vấn trực tiếp tại hội trường trong các ngày 12, 13 và 14-6. Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo, làm rõ thêm các vấn đề được quan tâm. 
T.Dũng
THẾ DŨNG - NGỌC DUNG
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRI
    0Thích  
    07/06/2013 14:36

    CẦN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU THẦU PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TẾ CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY Trong những năm qua ở nước ta việc đầu tư công các công trình không dứt điểm, kéo dài , chất lượng quá kém như tuyến đường quốc lộ 1a, một số đoạn đường, cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng năm trước thì năm sau đã bị hư hỏng xuống cấp và không ai chịu trách nhiệm. Đồng thời việc đầu tư không tập trung dứt điểm quá kéo dài thời gian, nên không phát huy được hiệu quả, đây chính là sự lãng phí rất lớn trong xã hội. Để có thể khắc phục tình trạng thi công các công trình xây dựng, giao thông kém chất lượng trong thời gian vừa qua xin nêu một số giải pháp như sau: Trước tiên trong Luật đấu thầu được sửa đổi cần phải xác định rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án , đơn vị tư vấn thiết kế , đơn vị thi công , đơn vị tư vấn giám sát công trình , đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công .Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu , cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội và các bộ ngành chức năng công nhận . Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán, chuyển nhượng lại gói thầu cho đơn vị khác thi công lấy hoa hồng .Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng. Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững Đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại vật liệu gì cho phù hợp. Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường . Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình , đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình. Thứ hai: Trong Luật đấu thầu sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng , chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên hy vọng trong thời gian đến chất lượng công trình giao thông xây dựng sẽ được tốt hơn. MINH TRÍ

 

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại56,657
  • Tổng lượt truy cập41,237,258
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây