Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Júthttps://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Thứ tư - 18/11/2015 03:491.1510
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi Trung Quốc bị cảnh báo độc hại, đề nghị thu hồi khỏi thị trường và từ chối nhập khẩu vào châu Âu. Nhiều đồ chơi như thế này đang được bán rất phổ biển, thu hút trẻ em Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của RAPEX (hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm tiêu dùng không an toàn và bảo vệ người tiêu dùng) công bố tuần qua, nhiều đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc chứa chất độc hại đã bị đề nghị thu hồi khỏi thị trường và từ chối nhập khẩu vào châu Âu.
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị RAPEX đưa vào danh mục cảnh báo này. Sản phẩm bị đề nghị thu hồi bao gồm những đồ chơi bằng nhựa như: bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi…
Trước đó, nhiều sản phẩm đồ chơi khác cũng có xuất xứ từ Trung Quốc đã được RAPEX đưa vào danh sách cảnh báo thu hồi. Đặc biệt, trong đó có miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) rất phổ biến và được trẻ em yêu thích.
Miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) của Trung Quốc rất phổ biến và được trẻ em yêu thích bị đề nghị thu hồi - Ảnh: RAPEX
Theo RAPEX, các sản phẩm này đều có chứa DEHP (di-ethylhexyl phthalate) ở mức cao từ 15-32%. Đây là chất độc hại bị cấm sử dụng trong tất cả các sản phẩm đồ chơi và chăm sóc trẻ em. Chất DEHP được RAPEX xác nhận có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của trẻ.
Theo FDA, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, DEHP là một chất được sử dụng trong sản xuất nhựa, đồ tiêu dùng. Mọi người đều tiếp xúc với nồng độ nhỏ của DEHP trong cuộc sống hằng ngày. Theo nghiên cứu của FDA thì việc tiếp xúc với DEHP ở nồng độ cao, thường xuyên có thể tác động đến sự phát triển của hệ thống sinh sản, đặc biệt là ở nam giới. Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp thực tế nào về tác dụng phụ của DEHP trên cơ thể người.
Mặc dù vậy các cơ quan y tế vẫn cảnh báo cần có biện pháp phòng ngừa và hạn chế sự tiếp xúc với DEHP ở trẻ em vì đây là đối tượng nhạy cảm, cơ thể đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, đặc biệt là trẻ em trai.
Mối nguy từ đồ chơi Trung Quốc trên thị trường Việt Nam
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa có xuất xứ Trung Quốc hiện được bán khá phổ biến trên thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, từ cửa hàng lớn đến nhỏ và cả ở các trường học.
Đặc biệt, tại các trường tiểu học, miếng dán hoạt hình nhiều màu sắc được bày bán từ các quầy hàng xung quanh cổng trường đến căn-tin trường. Những món đồ chơi này được nhiều phụ huynh và cả học sinh vô tư mua chơi vì hình mẫu đa dạng, màu sắc bắt mắt và rẻ. Giá của mỗi miếng dán dao động trong khoảng từ 3.000 - 5.000 đồng.
Các miếng dán đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc như thế này được bán phổ biến tại các trường học ở TP.HCM và được học sinh mua chơi rất nhiều - Ảnh: Vũ Phượng
Chị Vũ Thị Thu Cúc (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết: “Hồi giờ mình nghe rau Trung Quốc, trái cây Trung Quốc chứ đâu nghĩ miếng dán như thế này mà độc hại. Thấy rẻ, mà bé lại thích nên tôi mua cho bé về dán thôi”.
Cầm trên tay 1 xấp miếng dán Trung Quốc sau giờ tan học, N.M. (học sinh Trường tiểu học Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Em mua miếng dán ở căn-tin của trường giá 5.000 đồng. Em chỉ thích chơi hình pikachu, còn các bạn gái thì chơi hình búp bê”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng không nên mua cho các bé những thứ đồ chơi giá rẻ. “Thà chịu tốn kém một chút nhưng bảo đảm an toàn cho con mình, còn hơn sau này phải chữa bệnh. Tốt nhất là giải thích cho bé hiểu tác hại của chúng để con không đòi hỏi nữa”, anh Hùng nói.