Già K’Pă Men kể chuyện kết hôn với em vợ nhỏ hơn 30 tuổi. |
Kết hôn với em vợ nhỏ hơn 30 tuổi
Trong hôn nhân của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ trên đại ngàn Tây Nguyên thường phía gia đình nhà gái luôn nắm quyền chủ động. Các cặp vợ chồng bị ràng buộc theo luật tục khá khắt khe nên ít khi có chuyện vợ chồng bỏ nhau. Nếu có chuyện xảy ra thì họ phải chịu phạt vạ theo quy định của buôn làng. Tuy nhiên, nếu không may một trong hai vợ chồng vì lý do nào đó mà qua đời trước thì người còn lại phải tái giá với một trong những người thân của người đã mất. Đây được gọi là luật tục nối dây. Già làng K’Pă Men (SN 1928, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là một trong những người theo luật tục nối dây của đồng bào Ja Rai.
Theo lời kể của già Men, ngày trước, khi còn là một chàng trai trẻ, già được nhiều cô gái muốn bắt về làm chồng. Tuy nhiên, ông chỉ để ý cô gái tên Siu H’Thao (SN 1934) xinh đẹp. Và rồi hai người đã lấy nhau và có một khoảng thời gian hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng, sau khi sinh đứa con đầu lòng, bà H’Thao vì đau bệnh mà qua đời, để lại ông Men với đứa con nhỏ. Sau ngày bà H’Thao mất, gia đình nhà vợ thấy ông Men là người hiền lành, chịu khó, vì vậy, không muốn để vuột mất chàng rể quý nên đã làm theo luật tục nối dây, gả người em gái của bà H’Thao là Siu H’Thia (SN 1958), khi đó mới 14 tuổi, cho ông Men. Già Men cho biết: “Theo luật tục, nhà vợ già quyết định gả H’Thia cho già. Điều này là để đảm bảo cho của cải của già và H’Thao làm ra sẽ không bị phân tán. Nếu già không chấp nhận lấy H’Thia thì sẽ phải tay trắng ra đi, ngay cả đứa con cũng không được mang theo. Chưa hết, già còn phải nộp phạt cho gia đình nhà vợ và cho làng nữa”.
Từ ngày bà H’Thia thay chị làm vợ già Men, cuộc sống của hai vợ chồng khá hòa thuận, hạnh phúc. Bà H’Thia đã chăm sóc đứa cháu và chồng của chị. Tình cảm khi chung sống với nhau cũng dần được vun đắp. Sau đó, hai người có thêm 7 người con chung. “Sau một thời gian, già bắt đầu cảm nhận được tình yêu với H’Thia nên cố gắng vun đắp gia đình hạnh phúc. Rồi khi có với nhau những đứa con, già càng thương H’Thia hơn. Già nghĩ mình sống tốt nên mới được Yàng (ông trời) cho già người vợ thứ hai đảm đang, hiền lành như vậy”, già Men bộc bạch.
Dù sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng theo già Men, vì người vợ nhỏ hơn mình đến 30 tuổi nên trong cuộc sống cũng xảy ra không ít chuyện bi hài. Thời gian đầu, mỗi khi đi cùng nhau ra đường, nhiều người nghĩ họ là hai cha con. Già Men cho biết: “Già hơn bà ấy nhiều tuổi như vậy thì làm sao không có những chuyện trục trặc trong cuộc sống cơ chứ, nhưng theo già, tuổi tác không quan trọng, có tình yêu thì sẽ sống hạnh phúc thôi”.
Ông K’Pă Mâm nói về luật tục nối dây ở địa phương. |
“Dở khóc dở cười” vì luật tục
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì theo chế độ mẫu hệ nên đàn ông ít có tiếng nói trong những công việc đại sự của gia đình. Chính vì vậy mà tất cả mọi việc liên quan đến tục nối dây đều do bên nhà vợ quyết định. Nhiều già làng ở xã Bình Giáo cho biết, họ đã gặp rất nhiều trường hợp vợ chồng “đũa lệch”. Có gia đình chồng hơn vợ hàng chục tuổi. Cũng có anh chàng mới 23 tuổi nhưng vợ đã 40 tuổi.
Theo già Men, chẳng ai biết những cuộc hôn nhân nối dây có tình yêu hay không, nhưng nhiều người đã được chứng kiến những lễ cưới vỏn vẹn một con gà nướng, một ghè rượu cần, chú rể lặng lẽ uống rượu, cô dâu rót rượu mời họ hàng đến dự. Mặt họ hoàn toàn vô cảm, thậm chí không nhìn nhau lấy một lần trong suốt thời gian đám cưới diễn ra.
Cuộc hôn nhân của già Men khá hạnh phúc chứ không như nhiều trường hợp già được chứng kiến. Già cho biết: “Ở đây có ông K’Pă Thu phải ngậm ngùi lấy vợ của chú mình. Chuyện là khi chú thím của ông Thu đã có với nhau 6 mặt con thì bất ngờ người chú ngã bệnh chết. Gia đình họp lại và bảo ông Thu phải thay chú làm chồng của thím, nếu không thím sẽ bỏ các cháu lại về nhà mẹ đẻ. Ông Thu đành gật đầu về ở chung nhà với người thím hơn mình gần 20 tuổi. Đến nay, dù đã sống với nhau hơn 20 năm, có chung với nhau 4 mặt con nhưng ông ấy chẳng có tình cảm gì với vợ cả. Già thấy thương cho cả hai người, nhưng vì luật tục nên chẳng biết làm sao”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những trường hợp sau khi người vợ qua đời, nhà gái muốn gả em gái hoặc chị gái của vợ cho người chồng nhưng anh ta không đồng ý. Lúc này, người chồng sẽ phải nộp phạt bằng những vật phẩm đã thách cưới trước đó để có thể ra đi tìm cuộc sống mới. Anh ta không được mang theo bất cứ của cải nào, cũng như không được quyền nuôi con cái. Những đứa trẻ vừa mất mẹ, cha lại bỏ đi, bỗng trở thành những đứa trẻ mồ côi ngay cả khi cha chúng vẫn còn đang sống.
Ông K’Pă Mâm (SN 1950, ở xã Bình Giáo) cho biết, xưa kia luật tục nối dây có tính ép buộc, nhưng giờ đây khi có pháp luật thì người ta đã dân chủ hơn. Tục nối dây bây giờ không chịu ép buộc mà dựa trên sự tự nguyện của hai bên. “Ngày xưa là ép buộc, dù người em gái rất nhỏ tuổi nhưng vẫn bị ép phải kết hôn với anh rể lớn tuổi. Nhưng ngày nay thì tự nguyện, nếu em gái không đồng ý lấy anh rể thì cũng không sao, anh rể có quyền đi lấy vợ nơi khác, điều kiện là phải nộp phạt cho làng, nhưng cũng nhẹ nhàng chứ không như trước”, ông Mâm cho biết.
Cũng theo ông Mâm, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, phong tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng đánh giá luật tục nối dây thể hiện rất cao tính nhân văn. Bởi đối với con cái chưa trưởng thành của người quá cố thì cuộc hôn nhân mới sẽ đem lại cho những đứa trẻ mất cha hoặc mất mẹ sự chăm sóc nuôi dưỡng ân cần và chu đáo từ chính người thân thiết trong gia đình, có chung dòng máu với cha hoặc mẹ chúng. Người chồng hoặc vợ còn sống sẽ có một nơi nương tựa để tiếp tục nối dòng, cũng như đảm bảo sự nguyên vẹn tài sản mà gia đình đã gây dựng nên.
Nguồn tin: Lao động