Trang thông tin điện tử Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Júthttps://taichinh.cujut.daknong.gov.vn/uploads/favicon-touch.png
Chủ nhật - 21/08/2016 22:597430
"Thiếu tin cậy" là thực tế quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc mà ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc thừa nhận bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc diễn ra hôm nay (21.8), tại Hà Nội.
Đánh giá về hoạt động hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc hiện nay ông Đặng Minh Khôi cho biết:
Từ năm 1991 đến nay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với Trung Quốc phát triển hết sức mạnh mẽ. Các hợp tác này góp phần tăng cường hơn nữa trao đổi qua lại giữa hai bên, không chỉ về thương mại mà còn về đầu tư, giao lưu con người đào tạo cán bộ. Hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều cơ chế hợp tác giữa các địa phương.
Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc ngoài mặt thuận lợi, tích cực gần đây báo chí và dư luận quan tâm hơn đến mặt thực sự còn cần khắc phục. Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước thì đều có mặt tích cực và mặt không thuận lợi. Điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường nội lực, sức mạnh kinh tế, kinh nghiệm để tránh các vướng mắc.
Tôi cho rằng báo chí có vai trò lo lớn để các địa phương tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Mong các bạn thường xuyên đi các địa phương có hợp tác sâu rộng với Trung Quốc để hiểu rõ thực chất quan hệ hợp tác góp phần tăng cường quan hệ hai bên. Đồng thời để tránh những lúc có thông tin này kia mà người dân hiểu không rõ dẫn đến sự phân tâm trong xã hội, phần nào dẫn đến thiệt hại trực tiếp của địa phương nhất là những nơi đang có hợp tác về nông, lâm, ngư nghiệp, hàng hóa. Nhiều khi thông tin của chúng ta không chính xác ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân.
Trong bối cảnh hiện nay công tác bảo hộ công dân ở địa bàn Trung Quốc hiện có vấn đề gì khó khăn, phức tạp hơn trước không thưa ông?
Công tác bảo hộ công dân Việt Nam của Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc được Bộ Ngoại giao chỉ đạo rất thường xuyên. Gần đây trong những đợt bão lũ cần triển khai cứu hộ cứu nạn chúng tôi thường xuyên duy trì kênh liên lạc với phía bạn. Tất nhiên ở đây có vấn đề là hai bên có quan điểm khác nhau về chủ quyền lãnh thổ nên đối với khu vực Trường Sa, Hoàng Sa chúng ta có những khó khăn. Nhưng các khu vực khác thì phía Trung Quốc rất tích cực với công tác cứu hộ cứu nạn ngư dân. Nhiều trường hợp họ cử máy bay, tàu ra hỗ trợ giúp đỡ kịp thời ngư dân Việt Nam hoặc tạo điều kiện thuận lợi của dân ta vào tránh, trú bão.
Ngoài ra còn có vấn đề công dân Việt Nam qua lại Trung Quốc gặp tai nạn hoặc qua lại trái phép thì 2 bên hợp tác chặt chẽ để giải quyết. Vấn đề cô dâu, phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trái phép sang Trung Quốc cũng được xử lý rất tích cực. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài trên 1.400km nên sự qua lại của người dân cũng chưa được quản lý chặt chẽ nhất là đối với đồng bào dân tộc. Hiện nay có nhiều khó khăn trong giải quyết giúp đỡ đồng bào người Mông, Tày...bị bán sang Trung Quốc. Do vấn đề ngôn ngữ nên công tác xác minh nhân thân có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao luôn đặt nỗ lực cao nhất cho công tác bảo hộ công dân. Công dân Việt Nam dù ra đi trong hoàn cảnh nào thì cơ quan đại diện đều có trách nhiệm bảo vệ.
Trung bình mỗi tháng người Việt chi trên 13 triệu USD chỉ để nhập khẩu củ tỏi, mớ rau... từ Trung Quốc.
Có đánh giá cho rằng thời gian qua vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân Việt Nam vào mối quan hệ hữu nghị hai nước. Ông suy nghĩ gì đề đánh giá đó?
Cũng giống như quan hệ giữa con người với nhau, trong quan hệ giữa các quốc gia thì lòng tin là hết sức quan trọng. Khi có sự tin cậy thì trao đổi cái gì cũng dễ, khi thiếu lòng tin thì trao đổi hết sức khó khăn. Đây là một thực tế. Trong những năm gần đây chính tình hình căng thẳng ở Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã tác động rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai bên. Và ảnh hưởng này không chỉ ở tầm nhà nước, địa phương mà đến người dân. Nhân dân Việt Nam và Trung Quốc đã có hàng nghìn năm lịch sử qua lại, quan hệ hữu nghị lâu đời. Người dân hai bên, đặc biệt là nhân dân Việt Nam không bao giờ không mong muốn một quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Đây là một thực tế lịch sử. Trong quá khứ như vậy, hiện tại và trong tương lai cũng như thế. Để có được lòng tin cần những nỗ lực rất lớn.
Chính vì sự thiếu tin cậy và tình hình Biển Đông đã tác động và gây không thuận cho hợp tác kinh tế thương mại hai bên. Hiện có thực tế là địa phương, doanh nghiệp nào làm ăn với Trung Quốc thì rất dễ bị đặt vấn đề này kia. Thậm chí báo chí đưa tin cũng chịu nhiều áp lực. Điều này xảy ra ở cả 2 bên chứ không chỉ Việt Nam. Trong vấn đề này báo chí Trung Quốc cũng có trách nhiệm.
Tôi cho rằng nên nhìn nhận vấn đề này một cách bình thường. Quan trọng là chúng ta cần làm gì để người dân hiểu thực chất quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và tin tưởng, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chính sách đối ngoại nói chung và quan hệ với Trung Quốc nói riêng. Đồng thời tin tưởng quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Chúng ta cũng cần thấy rằng rất khó tách bạch vấn đề chính trị và kinh tế. Kinh tế cũng là chính trị. Chính trị có mở ra thì kinh tế mới thuận lợi. Ngược lại kinh tế có tăng cường thì quan hệ chính trị cũng được củng cố hơn. Đây là vấn đề cả hai bên cùng phải cố gắng.