Doanh nghiệp vào sân chơi lớn (*): “Ông lớn” cũng hoang mang

Thứ tư - 04/03/2015 02:46 773 0
Quen dựa vào sự bảo hộ, “bầu sữa” ngân sách nên khi cánh cửa hội nhập chuẩn bị mở toang, nhiều doanh nghiệp chới với

Các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công - nông nghiệp đang được hưởng chính sách bảo hộ thuế quan như thép, ô tô, sữa, mía đường... sẽ chịu sức ép lớn nhất.

Khốc liệt ngành thép

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhìn nhận nguy cơ với DN ngành thép đã đến từ năm ngoái khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được đàm phán, ký kết với lộ trình giảm dần thuế về 0%. Khi không còn được bảo hộ bằng thuế quan, các DN phải cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng, giá cả trước sự đổ bộ của thép nhập khẩu từ Nga, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc...

Chỉ có cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, sản phẩm nông nghiệp mới hy vọng nâng sức cạnh tranh trước hàng hóa của nước ngoài. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia Ảnh: Quốc Hy
Chỉ có cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, sản phẩm nông nghiệp mới hy vọng nâng sức cạnh tranh trước hàng hóa của nước ngoài. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia Ảnh: Quốc Hy

Năm 2014, dù tăng trưởng ngành thép cao hơn nhiều so với dự kiến nhưng công suất của DN chỉ đạt khoảng 60% so với thiết kế do thép nhập khẩu tăng mạnh. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy Việt Nam nhập khẩu sắt thép của nhiều nước, trong đó lớn nhất là từ Trung Quốc với 6,3 triệu tấn trị giá hơn 3,8 tỉ USD và hơn 1 tỉ USD nhập các sản phẩm từ sắt thép... Cuối năm ngoái, hàng loạt nhà máy trong nước phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ. Ngược lại, nhiều dự án sắt thép của nước ngoài không ngừng rót vốn, mở rộng đầu tư và được hưởng nhiều ưu đãi. Tổng giám đốc một thương hiệu lớn trong ngành thép cho rằng đây là vấn đề đòi hỏi vai trò của Chính phủ tạo ra môi trường bình đẳng giữa DN trong nước với nhau, chưa nói đến DN nước ngoài. “Nhật, Hàn Quốc đã nhận ra DN trong nước mới là nền tảng để phát triển đất nước lâu dài và phải là DN có vốn tư nhân. Đó là con đường duy nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững” - vị tổng giám đốc này chia sẻ.

Theo nhiều DN, từ lâu, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã mất dần vai trò dẫn dắt, làm đầu tàu do thua lỗ. Ông Phạm Chí Cường cho rằng VNSteel đã để lỡ nhiều cơ hội phát triển trong quá khứ do cách thức tổ chức, điều hành chưa đúng. Bản thân VNSteel đã nhận ra và bắt tay vào chấn chỉnh những đơn vị yếu kém, cải tổ bộ máy… Ở chiều xuất khẩu, sản phẩm của các thương hiệu như Hoa Sen, Pomina... liên tục bị kiện chống bán phá giá, áp thuế chống bán phá giá rất cao. Chẳng hạn, Tôn Hoa Sen xuất khẩu sắt thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng liên tục bị các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia khởi kiện chống bán phá giá, gây không ít khó khăn. “DN Việt phải cố gắng hạ chi phí sản xuất, giá thành để cạnh tranh với hàng ngoại và cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các nhà nhập khẩu nước ngoài ủng hộ” - ông Cường nói.

Mía đường cầm chắc thua

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện có 30% DN mía đường đang “mệt mỏi”, 70% còn lại tạm ổn và chỉ một số ít bắt đầu đầu tư vùng nguyên liệu, hướng đến phát triển bền vững. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhận định hội nhập sẽ khắc nghiệt nhưng là công cụ sàng lọc hữu hiệu nhất: DN yếu phải rời sân chơi, nhường chỗ cho DN mạnh. Điều đó tốt hơn là tất cả cùng “sống chung” trong nghèo khó. Tuy nhiên, thời gian qua chính sách không ổn định nên DN không dám bung tiền đầu tư cho nông dân trồng mía.

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân thông qua việc nghiên cứu giống cây trồng, công cụ, kỹ thuật... Chính phủ Thái Lan có cả chương trình mía đường, có Luật Mía đường và quy hoạch bài bản nên họ vượt xa Việt Nam. Đường Thái Lan bán trong nước giá khoảng 18.000-19.000 đồng/kg, nhập lậu vào Việt Nam bán chỉ 10.000-12.000 đồng/kg. Đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào giá thành chỉ trên dưới 5.000 đồng/kg. Vì sao họ làm được như vậy? Câu hỏi này đang cần được nhà nước trả lời kèm theo đó là những chính sách vĩ mô phù hợp cho DN phát triển. DN Việt hiện như kẻ tay ngang sắp phải ra trận đấu với những võ sĩ chuyên nghiệp thì làm sao thắng được” - ông Long thừa nhận.

Một thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết những khó khăn chung của ngành, DN đều nhìn thấy nhưng ít DN quan tâm và chịu làm khác để bứt phá. Chính sách cho ngành mía đường nghiêng về giải quyết phần ngọn, khắc phục hậu quả chuyện đã rồi chứ không đi vào vấn đề gốc. Hàng loạt nhà máy đường được thành lập nhưng không có chính sách đầu tư vùng nguyên liệu dẫn đến không có nguyên liệu sản xuất, phải đóng cửa. Sắp tới không còn bảo hộ, cạnh tranh sẽ trực diện hơn, chỉ một số nhà máy ở miền Trung, Tây Nguyên chịu đầu tư, hoạch định lại việc sản xuất kinh doanh mới có thể cạnh tranh được. Các nhà máy ở miền Tây dần phải dẹp hết, đó là diễn biến tất yếu và phải chấp nhận.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-2

Kỳ tới: Vực dậy doanh nghiệp tư nhân

Chăn nuôi ảnh hưởng nặng

Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế suất mặt hàng thịt gà, bò, trâu đối với 3 thị trường ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc xuống mức 0% và sẽ xuống 0% vào năm 2020 đối với các FTA khác. Theo dự báo của Bộ Tài chính, khả năng nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ tăng, nhất là thịt gà từ Hàn Quốc. Ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi TPP có hiệu lực vì mức thuế trung bình với thịt nhập khẩu từ 15% sẽ cắt giảm dần về 0% trong khi nhiều thành viên TPP như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand rất mạnh về chăn nuôi.

 

Thái Phương - Thanh Nhân

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay4,049
  • Tháng hiện tại75,244
  • Tổng lượt truy cập41,255,845
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây