Buổi làm việc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là cuộc họp xử lý kiến nghị của TP HCM về cơ chế, chính sách.
Không chỉ giới hạn ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà có thể khẳng định là toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân TP HCM đang trông chờ vào những quyết định mang tính chiến lược từ Chính phủ đối với TP. Những quyết định đó không gì hơn là những cơ chế đặc biệt để TP HCM giải phóng toàn bộ năng lực sản xuất, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, từ đó tạo thêm nguồn thu không nhỏ đóng góp vào ngân sách trung ương.
Tạo cho đô thị lớn những cơ chế đặc biệt thực ra là điều không có gì đặc biệt bởi đơn giản là không thể lấy “chiếc áo” mặc cho nông thôn để khoác lên mình đô thị hay cào bằng giữa quản lý đô thị và nông thôn. Các quốc gia trên thế giới đều phải tạo đòn bẩy từ những cơ chế đặc biệt để các đô thị lớn phát triển nhanh, thậm chí có cả định chế tự quản đô thị để tạo sự tự chủ, năng động nhằm mục đích cung cấp dịch vụ công cho cộng đồng dân cư đô thị một cách tốt nhất, từ đó sẽ phát huy hết tiềm năng của đô thị nhằm đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước.
Với TP HCM, Chính phủ từng có Nghị định 93/2001/NĐ-CP để phân cấp một số lĩnh vực quản lý nhưng qua 15 năm, nhiều nội dung đã lạc hậu, thậm chí thành rào cản. Nói như Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vào ngày 7-6 thì nhiều cơ chế, chính sách hiện hành đã như “chiếc áo chật” và không còn phù hợp với tầm vóc của TP.
Có vô số minh chứng về những sự không phù hợp nhưng lấy một ví dụ như thế này để thấy: Hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố thì chỉ có 13 tỉnh, thành phố điều tiết thu ngân sách về trung ương, trong đó có TP HCM với vị trí luôn dẫn đầu. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 6,6% dân số nhưng TP HCM đang chiếm tới 22% GDP, 30% ngân sách cả nước.
Gánh vác 30% ngân sách cả nước nhưng tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương cho TP HCM lại cứ giảm dần. Nếu giai đoạn những năm 2001-2006, TP HCM được hưởng 29% trên tổng giá trị thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, giai đoạn 2007 -2010 là 26% thì giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 23%. Điều này càng vô lý hơn khi mà mới đây Bộ Tài chính cho biết là có nhiều địa phương thu ngân sách rất thấp, thậm chí một năm thu chưa được 1.000 tỉ đồng mà chi đến 4.000-5.000 tỉ đồng.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Không thể lấy TP HCM để so bì với những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng để là đầu tàu thì TP HCM phải thực sự mạnh, phát triển nhanh hơn để tạo ra nguồn thu lớn hơn chứ không thể chỉ là sự sẻ chia một cách duy ý chí.
Nhưng TP HCM dù có năng động đến mấy thì cũng không thể vượt ra khỏi cái “áo” cơ chế.
Nguồn tin: NLĐ Online