Theo ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì khoa học kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Mỗi thời điểm mỗi khác, nếu hiện nay nông dân cứ áp dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi cũ thì giá trị cây trồng, vật nuôi sẽ thấp, kéo theo kinh tế khó mà phát triển. Vì vậy, một trong những hoạt động được các cấp hội chủ động triển khai thực hiện đó là mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân.
Trong 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 2.857 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp cho hàng trăm ngàn lượt hội viên, nông dân.
Riêng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp tổ chức được 87 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thật về cây trồng, vật nuôi và lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cấp hộ cho 4.432 cán bộ, hội viên nông dân tại các huyện, thị xã, với tổng kinh phí trên 972 triệu đồng. Các cuộc hội thảo, trình diễn đầu bờ, đầu chuồng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học…cũng được chú trọng.
Điều đáng ghi nhận, thông qua đó, hội viên, nông dân phần nào nắm bắt được kỹ thuật cơ bản để từng bước áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao được kỹ năng lao động cũng như chủ động đăng ký và triển khai thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, sơ chế và chế biến đối với một số nông sản có lợi thế như cà phê, tiêu, rau…
Cụ thể như ông Vũ Xuân Cấp ở thôn 2, xã Đắk Wil (Chư Jút), qua các lớp tập huấn, đã biết dùng các loại cây để che chắn, giữ độ ẩm, giúp vườn tiêu phát triển tốt. Hay bà Đinh Thị Lâm ở thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr (Krông Nô), qua các lớp tập huấn đã nắm bắt được quy trình gieo trồng, chăm sóc cây ngô theo đúng lịch thời vụ, kỹ thuật để mang lại hiệu quả.
Qua tập huấn, ông Vũ Xuân Cấp ở thôn 2, xã Đắk Wil (Chư Jút) biết che chắn cho cây tiêu để hạn chế sự thoát hơi nước |
Bên cạnh đó, công tác ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân cũng được chú trọng. Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 417 lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, ứng dụng khai thác thông tin phục vụ sản xuất, chăn nuôi, thủy sản, công nghệ thu hoạch, công nghệ bảo quản nông sản, bảo vệ môi trường cho hơn 21.000 lượt người.
Hội viên, nông dân được trang bị những kiến thức về kỹ thuật sản xuất nhân giống cà phê, trồng, chăm sóc, bảo quản cà phê sau thu hoạch, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm hướng đến canh tác bền vững cây cà phê theo tiêu chuẩn 4C.
Trong nghiên cứu khoa học, các cấp hội đã phối hợp phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tham gia các cuộc thi sáng tạo nhà nông.
Chẳng hạn như Hội Nông dân huyện Đắk Mil xây dựng đề tài về ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà phê theo hướng an toàn, bền vững. Thông qua đề tài này, đến nay, hội viên, nông dân huyện đã ứng dụng thành công việc sử dụng công nghệ nhân giống cà phê bằng phương pháp ghép. Trong đó, Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã thiết lập một số vườn nhân chồi giống cà phê cao sản như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, giúp nông dân ứng dụng hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Hoàng Hoài
Nguồn tin: Báo Đăk Nông