Bức tâm thư của cậu học trò nghèo Đỗ Hồng Sơn, lớp 11A5 Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) gửi Chủ tịch nước đã làm nhiều người phải xót xa. Trong xã hội hiện đại, bằng khả năng thật sự là thi đỗ vào trường công nhưng chỉ vì nghèo, vì không nhập được hộ khẩu TP Hà Nội mà cậu học trò này đã bị tước đi cơ hội học tập. Trong khi chúng ta đang hô hào về một xã hội học tập, về những ưu đãi, khuyến khích học trò đến lớp thì vụ việc trên như một cái tát vào những nỗ lực của học sinh nghèo.
Bạn đọc Tạ Bích Liên chia sẻ qua Báo Người Lao Động Online: “Đọc lá thư của cháu Sơn, tôi không kìm được nước mắt. Tôi mong rằng những người làm quản lý, nhất là bà hiệu trưởng của Trường THPT Trần Hưng Đạo, cần xem xét cho thấu tình đạt lý. Áp dụng quy định cứng nhắc mà buộc thôi học cháu Sơn thì thật không công bằng”.
Ước mơ của cháu Sơn thật đơn giản, chỉ muốn bằng vào thực lực của mình được học ở một ngôi trường mà học phí tương đối thấp để giảm gánh nặng cho bố mẹ nhưng lại bị phủ nhận quá phũ phàng. Gia đình cháu nghèo nhưng những ước mơ và hoài bão của cháu thì không nghèo chút nào. Sự lo lắng lớn nhất của cháu Sơn chính là nếu học trường dân lập thì gia đình không đủ tiền để đóng học phí, cháu phải nghỉ học. Thế nhưng, sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan liên quan lại chuyển cháu đến một trường dân lập, điều đó có khác gì dập tắt cơ hội học tập của Sơn. “Tôi không nghĩ ở xã hội hiện nay mà ước mơ được đến trường của một học sinh lại khó khăn đến vậy” - bạn đọc Thanh Hùng bức xúc.
Một thời hộ khẩu từng làm khốn đốn biết bao con người nay trở lại ám ảnh người dân nông thôn. Hãy mạnh dạn bỏ việc quản lý hộ khẩu đã lỗi thời. Quyền được học tập, cư trú, làm việc là một trong những quyền cơ bản của công dân nên những quy định về hộ khẩu như trên đã phủ nhận những cố gắng của bao con người và ngày càng đào sâu hố ngăn cách giữa nông thôn - thành thị, người giàu - người nghèo. Bạn đọc Hoàng Dũng nói thẳng: “Dân ta sợ lắm chữ nghèo. Nghèo thì không dám bệnh, nghèo thì không dám ăn, còn bây giờ nghèo thì chẳng được đi học. Ngành giáo dục sao mà lạnh lùng thế!”.
Nguồn tin: NLĐ Online