“Thay vì xây dựng quan hệ hợp tác tích cực để đối đầu với những thách thức lớn trong thời đại chúng ta như chống khủng bố, EU lại thích tiếp tục chơi trò cấm vận thiển cận”, Bộ Ngoại giao Nga ngày 21.12 tuyên bố. Tuyên bố cũng chỉ trích rằng việc đem Ukraine ra làm lý do để cấm vận Nga là “vô căn cứ”, theo đài RT (Nga).
Trước đó, lãnh đạo 22 nước EU đã đồng thuận sẽ kéo dài lệnh cấm vận kinh tế Nga thêm 6 tháng. Lệnh cấm vận đã được áp đặt sau vụ việc lãnh thổ Crimea thuộc Ukraine được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3.2014.
Cùng với lệnh cấm vận của Mỹ và giá dầu giảm xuống mức thấp, nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận cũng gây không ít trở ngại cho các thành viên EU trong bối cảnh các nước châu Âu cũng đang trong giai đoạn rất khó khăn với hàng loạt biến cố bất lợi: vụ khủng bố ở Paris, Hy Lạp suýt nữa phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), dòng người tị nạn đổ về châu Âu…
Và sự mệt mỏi vì lệnh cấm vận đã thể hiện rõ bên trong nhiều thành viên, bao gồm cả những “ông lớn” như Ý và Pháp, những nước đã có quan hệ thương mại lâu dài với Nga trong lĩnh vực năng lượng. Tờ The Washington Post đưa tin Thủ tướng Ý Matteo Renzi trước đó đã hoãn việc phê chuẩn kéo dài cấm vận đến khi gặp cho được Thủ tướng Đức Angela Merkel để “hỏi chuyện” bà này vì chơi trò “nước đôi” theo như tố cáo của Ý. Tất cả đến từ Nord Stream-2, kế hoạch hợp tác giữa Nga và Đức trong việc xây dựng một đường ống khí đốt chạy xuyên qua biển Baltic.
Nhiều nước châu Âu đang muốn bắt tay chặt chẽ hơn với Nga để giải quyết vấn đề người tị nạn, nhưng "vướng" lệnh cấm vận - Ảnh: Reuters |
Ông Renzi chỉ trích bà Merkel ép các quốc gia EU khác đồng ý cấm vận Nga, trong khi bản thân Đức thì làm chuyện trái ngược hoàn toàn với tinh thần lệnh cấm. Sở dĩ ngài thủ tướng Renzi “cay” là vì một dự án xây dựng đường ống khí đốt khác hợp tác giữa Nga, Ý và nhiều nước khác mang tên South Stream đã bị hủy bỏ ngay trước Nord Stream-2.
Ngoài ra, Bulgaria, một thành viên EU khác lẽ ra cũng đã được chia phần từ dự án South Stream cũng đã than phiền về lệnh cấm vận.
Trong vấn đề người tị nạn, nhiều nhà lãnh đạo EU muốn tăng cường hợp tác với Nga nhằm cố gắng chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, giải quyết được gốc rễ vấn đề tị nạn đổ về châu Âu. Muốn bắt tay “thật tình” với Nga, tất nhiên EU không thể cùng lúc cấm vận nước này, điều mà Mỹ lại rất muốn duy trì.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới hôm 20.12 mỉa mai rằng EU chẳng qua chỉ là cánh tay nối dài của Mỹ. Ông Putin nói trên kênh truyền hình Nước Nga 1: “EU chẳng hề theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Họ đã hủy bỏ nó hoàn toàn rồi”.
Kiều Oanh