Trung tướng cảnh sát Komvich Padhanarath cho biết các nghi can hứa hẹn sẽ đưa các cô gái đi làm việc tại nhà hàng, tiệm spa và quán karaoke ở Malaysia nhưng thực ra họ bị đẩy vào “động quỷ”. Theo tướng Komvich, trong 5 năm qua, 3 nghi can trên đã buôn bán được 6 phụ nữ. Họ đối mặt với các cáo buộc buôn người, cưỡng bức bán dâm và tham gia một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia. Theo hãng tin AP, các vụ bắt giữ trên xảy ra cùng thời điểm nhà chức trách Thái Lan truy tố 72 người tham gia đường dây buôn người quốc tế, trong đó có một trung tướng tên Manas Kongpan và truy nã 32 nghi can khác.
“Vụ việc này là thí dụ điển hình về hiện tượng bọn buôn người sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ người tìm việc đi vào con đường nô lệ tình dục” - giám đốc điều hành tổ chức chống buôn người Exodus Road, ông Mark Rhodes, nhấn mạnh. Ông Rob Wainwright, Giám đốc Văn phòng Cảnh sát châu Âu (Europol), cũng từng nhận định mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã trở thành công cụ đắc lực của các đường dây buôn người quốc tế. Một khi “con mồi sập bẫy”, mạng xã hội còn giúp bọn buôn người theo dõi từ xa và kiểm tra các nạn nhân thông qua webcam. Trước đây, bọn ma cô và buôn người phải đến tận nơi nếu muốn kiểm soát nạn nhân. Còn bây giờ, chúng chỉ cần nhấp chuột là có thể theo dõi cùng một lúc 50 nạn nhân một cách dễ dàng hơn nhiều. “Thay vì gặp mặt nạn nhân hằng ngày, bọn chúng dùng dịch vụ webchat cũng như webcam để biết chắc họ có ở đúng nơi hoặc đang chờ khách trong nhà chứa hay không” - ông Wainwright giải thích.
Thêm vào đó, ông Wainwright nhận định buôn người là một hoạt động “nguy cơ thấp, lợi nhuận cao”. Theo thống kê, hoạt động tội phạm này kiếm được ít nhất 150 tỉ USD/năm mà ít khi bị bắt hoặc truy nã. Vì thế, ông Wainwright kêu gọi lực lượng thực thi pháp luật các nước cần làm tốt hơn công việc của mình, cũng như hợp tác với nhau nhiều hơn nữa.
Theo báo The Telegraph (Anh), có đến 36 triệu người trên khắp thế giới được cho là đang bị bắt làm nô lệ, trong đó có ít nhất 500.000 người ở châu Âu. Hầu hết nạn nhân ở châu Âu đến từ Romania, Bulgaria và Hungary, trong khi các nước họ được đưa đến là Anh, Đức, Bỉ và Hà Lan. Theo Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia của Anh (NCA), một số nạn nhân buôn người còn bị bán qua lại giữa các băng đảng với giá có khi chỉ 300 USD/người. Đau lòng hơn, các băng đảng buôn người còn xăm lên người nạn nhân để đánh dấu nhằm xác nhận quyền sở hữu.
Nguồn tin: NLĐ Online