Trước thông tin gạo làm bằng nhựa độc hại, một số cửa hàng gạo trên đường Trần Chánh Chiếu, quận 5 (TP.HCM) cho hay chưa nghe thông tin này. Ông Quang, chủ cửa hàng kinh doanh gạo số 58 đường Trần Chánh Chiếu cho biết bản thân ông kinh doanh gạo từ năm 1990 nhưng chưa bao giờ nghe thông tin gạo làm bằng nhựa. Là dân kinh doanh gạo lâu năm, ông Quang cho biết rất khó để chứng thực thông tin trên có thực bởi không dễ dàng để nhựa làm gạo được. Chưa kể, chi phí để chế biến nhựa thành gạo có khi còn đắt hơn so với gạo thông thường. "Cách đây 4-5 năm, các tiểu thương ở chợ Trần Chánh Chiếu cũng đồn thổi thông tin gạo làm từ giấy từ Trung Quốc qua. Theo đó gạo làm từ giấy rất giống và khi chưa nầu ngửi thơm như gạo bình thường. Nhưng khi nấu chín để một ngày chưa kịp ăn cơm sẽ bã ra giống như giấy vệ sinh thấm nước vậy đó. Tuy nhiên đó cũng chỉ là thông tin đồn thổi chứ chưa ai, kể cả tôi thấy hạt gạo giấy như thế nào cả", ông Quang cười nói. Các tiểu thương bán gạo ở đường Trần Chánh Chiếu đều khẳng định nguồn gạo ở đây đều lấy từ các tỉnh miền Tây. Là một doanh nghiệp xuất khẩu khá nhiều gạo sang Trung Quốc, ông Phan Hùng Minh, Giám đốc Công ty Phan Minh, cho hay thông tin trên hoàn toàn không có cơ sở. Để chứng minh, ông Minh cho biết hiện giá nhựa đắt gấp 4 lần giá gạo. Do đó không ai dại gì lấy nhựa để làm gạo cả, chưa kể còn phải gánh thêm chi phí chế biến để nhựa biến thành gạo không hề rẻ. "Bản thân tôi cũng chỉ nghe chứ chưa bao giờ thấy gạo nhựa như thế nào", ông Minh nói. Ông Minh cho biết thêm hiện chỉ có gạo Việt Nam xuất đi Trung Quốc chứ chưa có chiều ngược lại. Trong trường hợp gạo nhựa là có thật thì làm sao phân biệt giữa gạo thật và gạo nhựa, cả ông Minh và ông Quang đều chỉ cách chính xác nhất là đem gạo nấu chín. Một cách nữa là cầm hạt gạo cắn làm đôi sẽ biết đâu là gạo thật, gạo giả. Đình Quân |
Phúc Duy
Nguồn tin: Thanhnien