|
Bà Dần và người em từng có nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Ảnh: Tiểu Nguyễn |
Đang làm việc, bà Trần Thị Dần ở Thanh Trì (Hà Nội) nghe tiếng chuông điện thoại reo. Nhấc máy, bà nghe giọng em trai là Trần Văn Lợi reo lên: “Chị còn nhớ gia đình mình ai là người đã mất tích hơn 60 năm nay không?”. Nghĩ đi nghĩ lại, trong đầu bà chỉ hiện lên hình ảnh của cậu Hùng: “Chỉ có thằng Hùng”.
“Bây giờ Hùng đang ở nhà em. Cậu mới tìm được đường về nhà hôm nay chị ạ”, đầu dây bên kia ông Trần Văn Lợi sang sảng. Không tin vào tai mình, bà Dần hỏi đi hỏi lại. Và không kìm được cảm xúc, bà khóc nấc, giọng lạc đi: “Cho chị nói chuyện với Hùng đi”.
Dường như không muốn lãng phí phút giây nào, ông Hùng vồ lấy chiếc điện thoại. Sau những khoảnh khắc xúc động, hai chị em thao thao bao chuyện trên trời dưới biển, từ thời còn bé xíu. “Nhớ không Hùng, ngày ấy chị nói dối em rằng cho chuồn chuồn cắn rốn sẽ biết bơi, em tin là thật…”, bà Dần nói với em.
Cuộc trò chuyện chỉ chấm dứt khi hai chị em đã thấm mệt. Bà Dần thu xếp để về ngõ 252 Khâm Thiêm (Hà Nội) gặp em. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy em, bà đã hỏi dồn dập: “Mày là thằng Hùng phải không?”. Không nói nên lời, 4 mắt nhìn nhau nhạt nhòa.
“Người ta sung sướng thì cười phấn khởi, còn chúng tôi hạnh phúc lại chỉ biết dùng nước mắt, giờ mà còn ngỡ mọi chuyện như trong mơ vậy”, tiếng bà Dần nghẹn lại.
|
Bố con ông Hùng thắp hương ông bà tổ tiên ngày trở về. Ảnh: Thanh Tùng |
Nhận ra người em sau gần 60 năm xa cách, ông Trần Văn Lợi, chỉ biết xót xa: “Chao ôi! Gần 60 năm qua gia đình vẫn làm giỗ cho chú vào cái ngày chú mất tích, chỉ sau giỗ mẹ chú vài ngày. Quê cha đất tổ đây rồi. Ai nỡ bỏ chú đâu?”. Sau cả tiếng bần thần nhìn em trò chuyện với người thân, ông Lợi đứng dậy kêu mọi người từ mai xóa tên Hùng khỏi danh sách những người đã chết được ghi trong gia phả.
Mái tóc hoa râm, nước da ngăm đen nhăn nhúm vì sương gió, ông Hùng tiếp chuyện bằng nụ cười luôn nở trên môi. Từ nhỏ, cuộc đời của cậu bé Hùng đã chịu nhiều thiệt thòi. Cha mẹ mất sớm, 5 anh em lần lượt ra đi vì đói nghèo, Hùng không còn gia đình. Nhờ bố ông Lợi (là anh em con cô con cậu với mẹ Hùng) cưu mang, Hùng được chăm chút như con đẻ và đổi sang họ Trần.
Đến năm 14 tuổi, Hùng quyết định rời bỏ gia đình do hoàn cảnh ngày càng khó khăn. “Nhìn cuộc sống gia đình lúc đó đói kém lắm, mà lại nghĩ vì mọi người chăm lo cho mình nên mới thế, tôi chỉ muốn bỏ đi thật xa”, ông Hùng ôn lại chuyện cũ.
Ông Hùng quyết định ra đi sau vài câu nói của mọi người động chạm đến lòng tự ái của mình. Bỏ vào trại nhi đồng ở Khâm Thiên một thời gian, sau đó ông xin đi làm công nhân đường sắt, trở thành thanh niên xung phong đi làm đường và vào bộ đội. Năm 1967-1968, ông đưa thanh niên Hà Nội vào miền Nam chiến đấu.
Vào những năm 1978-1979, sau khi giải phóng miền Nam, gia đình ở Hà Nội nhận được hung tin ông mất ở Tây Nguyên. Cảm giác tội lỗi với cha mẹ đã khuất núi, cả dòng họ quyết định lấy ngày giỗ của ông sau vài ngày giỗ mẹ đẻ.
|
Đại gia đình đoàn tụ sau hơn 60 năm xa cách. Ảnh: Tiểu Nguyễn |
Trong khi đó, ông Hùng ra quân, làm đủ thứ nghề ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Đến năm 1982, ông xây dựng gia đình khi có chút tiền trong tay. Vợ ông là bà Lâm Thị Hương (sinh năm 1958), họ đã có 5 người con, 2 nam 3 nữ. Cuộc sống tuy đi làm thuê làm mướn nhưng êm đềm.
Sau những buổi đi làm thuê, đêm về ông Hùng lại nhớ về gia đình ở Hà Nội, mong ước được đoàn tụ. "Nhưng làm gì có tiền mà đi? Giờ còn con cái, phải nuôi dạy chúng khôn lớn mới hy vọng về Bắc tìm mọi người", nỗi niềm ấy ông chỉ biết than thở cùng con gái đầu.
Thương cha, mỗi chị em góp tiền để ông trở lại miền Bắc tìm họ hàng. Chuyến đi này, ông đi cùng con gái thứ hai. Bao con đường xưa giờ không còn như trước. Khu vực ông sống ngày trước giờ đông đúc lên nhiều. Ông chỉ láng máng nhớ khu Kim Liên, Đê La Thành và tìm về Khâm Thiên.
May mắn ông hỏi thăm nhà một người biết dòng họ Trần và tìm đúng về nhà ông Trần Văn Lợi (số 3, ngõ 252 Khâm Thiên). Họ gặp nhau, niềm hạnh phúc vỡ òa trong nước mắt. Anh chị em ai cũng muốn ông Hùng ở lại. Riêng ông, một mặt cũng muốn ở lại với đại gia đình, một mặt lại nặng lòng với vợ con ở Tây Ninh.
Cuối cùng ông quyết định đến ngày 29/4 sẽ trở lại miền Nam để cô con gái chuẩn bị đi làm sau nghỉ lễ. “Giờ đây công nghệ phát triển lắm, có cái điện thoại là có thể nghe được tiếng nói của nhau rồi. Với tôi, đó là điều ấm áp nhất, ông vừa nói vừa cười.
Tiểu Nguyễn - Thanh Tùng