Giải mã sự hung hăng của Trung Quốc

Thứ năm - 12/06/2014 23:11 857 0
Chính sách “trỗi dậy bằng nòng pháo” thể hiện qua các hành động hung hăng ở biển Đông là chiến lược thống nhất được phê chuẩn từ cấp cao nhất của Trung Quốc.

Giải mã sự hung hăng của Trung Quốc
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần khu vực giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Reuters

Hành động tạo ra “hiện trạng mới” bằng cách đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển Việt Nam buộc giới học giả, chuyên gia phải nhìn nhận lại cấu trúc lãnh đạo và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Trỗi dậy bằng nòng pháo

Một trong những kết luận được rút ra là Trung Quốc (TQ) đã chuyển mình từ cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” sang “trỗi dậy bằng nòng pháo”. Theo chuyên gia Graeme Dobell thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc, đã đến lúc phải khẳng định những động thái khiêu khích của TQ, như hạ đặt giàn khoan và đâm tàu thực thi pháp luật, tàu cá Việt Nam, là sự biểu hiện đầy đủ và chính thức chính sách của Bắc Kinh. Trong bài bình luận trên trang The Strategist mới đây, ông Dobell cho rằng các nước láng giềng của TQ không còn tự huyễn hoặc rằng những hành động khiêu khích của Bắc Kinh có thể bắt nguồn từ sự phân tán quyền lực, chẳng hạn như sự đối địch giữa Quân Giải phóng nhân dân TQ (PLA) và Bộ Ngoại giao.

Quan điểm này cũng được thể hiện trong một báo cáo công bố ngày 11.6 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ). Trong báo cáo có tên Decoding China’s Emerging “Great Power” Strategy in Asia (tạm dịch: Giải mã chiến lược “Đại cường quốc” mới nổi của Trung Quốc ở châu Á), chủ biên Christopher K.Johnson, một chuyên gia về TQ, đã bác bỏ lập luận rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh được định đoạt bởi sự chia rẽ bè phái giữa các nhà ngoại giao trung dung và những sĩ quan quân đội bảo thủ hoặc những bộ ngành khác nhau. Kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã củng cố vị thế và quyền hạn với tốc độ khó tin. Do vậy, những vấn đề bè phái nội bộ không phải là mối đe dọa nghiêm trọng. Và cũng từ khi ông Tập lên nắm quyền, TQ ngày càng có lập trường hung hăng về tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Những thay đổi chính sách của Bắc Kinh phản ánh sự trông đợi rộng rãi của giới chính khách và dư luận của nước này rằng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng cho phép họ có tiếng nói lớn hơn. Báo cáo nhận định khó có khả năng các lãnh đạo TQ sẽ quay trở lại với lập trường ôn hòa hơn trong các tranh chấp lãnh thổ.

 

 
 

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật lên án Trung Quốc

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án hoạt động phi pháp của giàn khoan TQ trong vùng biển Việt Nam. Theo Kyodo News, các nghị sĩ nhấn mạnh hoạt động trên của TQ đang đẩy khu vực vào tình trạng ngày càng căng thẳng hơn. Và phía Nhật sẽ không chấp nhận hành vi đơn phương của chính quyền Bắc Kinh nhằm tranh đoạt biển đảo và lợi ích hàng hải bằng cách dùng vũ lực. Nghị quyết cũng kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Nhật với những nước khác, chẳng hạn như Mỹ và các quốc gia thuộc khối ASEAN, trong việc gia tăng áp lực buộc TQ phải tuân theo luật quốc tế. Theo CCTV, Bộ Ngoại giao TQ đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Nhật, lặp lại luận điệu rằng giàn khoan nước này đang hoạt động tại “vùng biển hợp pháp” của TQ.

H.G

 

 

Về quan hệ giữa TQ và ASEAN, báo cáo cũng tái khẳng định quan điểm được đồng thuận lâu nay rằng TQ không muốn thấy một ASEAN mạnh mẽ và hợp nhất. Bắc Kinh liên tục hành động để chia rẽ ASEAN nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất tại hội nghị ASEAN ở Phnom Penh năm 2012, khi khối này lần đầu tiên trong lịch sử không thể ra tuyên bố chung vì áp lực của TQ lên nước chủ nhà Campuchia để gạt vấn đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự, bất chấp đòi hỏi hợp lý của các thành viên khác. 

Phương hướng mới cho ASEAN

Thực tế rằng “sự trỗi dậy bằng nòng pháo” là chính sách chính thức được phê chuẩn từ cấp cao nhất đòi hỏi ASEAN phải đánh giá lại đường lối quan hệ với TQ. Theo chuyên gia Dobell, đã đến lúc ASEAN thôi hy vọng vào việc thương thuyết với Bắc Kinh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) bởi TQ không hề mong muốn bất kỳ thỏa thuận đa phương nào. “Bắc Kinh xem việc chấp nhận Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) là một sai lầm và sẽ không làm tồi tệ thêm lỗi lầm bằng cách chấp nhận COC”, ông Dobell viết.

Trong một tham luận tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương ở Malaysia mới đây, giáo sư người Úc Carl Thayer cũng đưa ra đề xuất tương tự. Ông nhận xét: “Tiến trình COC đã gây chia rẽ ASEAN và chia rẽ các nước ASEAN có tranh chấp. Sự quả quyết của TQ về “chủ quyền không thể tranh cãi” ở biển Đông và hành động khẳng định chủ quyền hung hăng chưa từng thấy gần đây, thông qua việc sử dụng tàu quân sự mở bạt che vũ khí cùng máy bay quân sự, hiện là trở ngại lớn trong việc quản lý vùng biển chung ở biển Đông”.

Giải pháp cho vấn đề, theo Giáo sư Thayer, là 10 quốc gia ASEAN nên thương thuyết về một Bộ quy tắc ứng xử ở vùng biển chung của Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp biển với nhau, dựa theo mô hình thỏa thuận phân định vùng biển giữa Indonesia và Philippines mới đây. Một COC riêng sẽ củng cố sự thống nhất và gắn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Khi đó, những hành động hung hăng của TQ được đáp trả bởi phản ứng đoàn kết của ASEAN và đây sẽ là phản ứng có trọng lượng trước vũ lực của TQ.

Sơn Duân

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại53,512
  • Tổng lượt truy cập41,234,113
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây