Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bức tranh kinh tế vẫn có nhiều gam màu xám. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nợ xấu và nợ công của Việt Nam đều nghiêm trọng, chưa thực sự rõ ràng, sai số quá lớn, chuẩn mực đo không thống nhất và đều có xu hướng gia tăng nhanh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố nợ xấu đến cuối tháng 2-2014 là 9,7% nhưng Công ty Quản lý tài sản (VAMC) không thể xử lý nhanh nợ xấu. Nợ công ở mức 55,7% GDP. Nếu so với ngưỡng an toàn là 65% GDP như thông lệ quốc tế thì nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn. Nhưng nguy cơ nợ công của Việt Nam nằm ở tốc độ tăng nợ nhanh hơn tốc độ tăng GDP và cơ cấu nợ với tỉ lệ nợ ngắn hạn lớn, áp lực trả nợ tăng.
“Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh sẽ vượt qua “vạch đỏ” 25% thu ngân sách nhà nước trong năm 2014 và vượt 30% trong những năm tiếp theo” - ông Trần Đình Thiên cảnh báo.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trở ngại của tăng trưởng kinh tế hiện nay là nợ xấuvẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả. Ông cũng khuyến cáo không nên ngộ nhận về sự hồi phục kinh tế vì chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi bệ đỡ quan trọng nhất là nông nghiệp đang rất khó khăn.
Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm, cũng tỏ ra kém lạc quan khi nhận định khả năng phục hồi kinh tế quá mong manh, chỉ cần tác động nhỏ từ chính sách là doanh nghiệp lao đao. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm cốt lõi của kinh tế Việt Nam hiện nay là phải xử lý được nợ xấu để khơi thông vốn tín dụng, quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước. Muốn xử lý nợ xấu cần có “tiền tươi thóc thật” lấy từ nguồn bán bớt tài sản nhà nước.
Nguồn tin: NLĐ Online