Nhưng trong vòng khoảng hai chục năm trở lại đây, từ “sạch” đã có sự biến chuyển về nghĩa, trở thành một từ “nóng” trong giao tiếp hiện nay.
Nếu có dịp đi ra phố, vào siêu thị, ta sẽ thấy nhan nhản những tấm biển đề: Cửa hàng rau sạch, Quầy rau sạch, hoa quả sạch… Rau quả bán nhan nhản khắp nơi, nhưng hình như số lượng sản phẩm thuộc nhóm thực vật này được người tiêu dùng yên tâm, coi là “sạch” không nhiều. Rau sạch là loại rau được trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản một cách tự nhiên, không bón phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc sâu), không sử dụng hóa chất khi bảo quản, không sử dụng chế phẩm làm biến đổi gien… Không ít lần, người tiêu dùng phát hoảng không dám mua các loại hoa quả (như lê, táo, nho…), thực phẩm (chân gà, phủ tạng động vật, thịt gia cầm…) mà nghe nói đã bị ngâm tẩm bằng một loại hóa chất đặc biệt nguy hiểm nhằm “giữ tươi, không hư hỏng trong nhiều ngày”.
Giá đỗ là món rau khá thông dụng thì đã được người ta dùng thuốc kích thích cho nảy mầm nhanh, dài, đậm, trắng nhưng khi dùng thì hậu quả không biết đâu mà lần. Không chỉ rau muống, rau cải, giá đỗ… trở thành mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, mà nhiều loại hoa quả khác (như chuối, thanh long, nhãn…) cũng làm cho người mua nghi hoặc, hoảng sợ vì hình dáng to, màu sắc rực rỡ bất thường của chúng.
Những thực phẩm quen thuộc khác trong đời thường như thịt lợn, thịt gà, vịt và cả loại thịt “đại gia súc” như trâu, bò… cũng có sự can thiệp bất thường của con người làm lệch giá trị thực. Vừa rồi, khi về công tác điền dã ở một vùng quê Nam Định cùng một vài nơi khác thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, tôi ngạc nhiên khi được dân làng mời món thịt lợn sề và nghe giới thiệu “đây mới đúng là thịt sạch”. Thật quá ngạc nhiên, vì với tôi (cũng như nhiều người) vẫn quan niệm thịt lợn sề là loại “thứ phẩm”, không ngon, thậm chí có thể gây hại (nhất là đối với người ốm, phụ nữ thai sản thì phải kiêng dùng).
Ấy vậy mà theo bà con, thì trong chăn nuôi lợn hiện nay, chỉ còn duy nhất lợn sề là được nuôi dưỡng cẩn thận: Cho ăn đầy đủ rau bèo, cám tự nhiên, uống nước sạch và không dùng bất cứ một loại thuốc tăng trọng nào. Lý do đơn giản là, nếu dùng thức ăn và các chế phẩm nhân tạo thì lợn sề sẽ không thể mang thai và phát triển bình thường được. Thành thử, thứ thực phẩm mà trước nay dân gian không coi trọng bây giờ lại trở nên “đặc sản”. Người ta tranh nhau mua loại thịt lợn này mà không mặn mà với thịt lợn bán đầy ngoài sạp, màu sắc không tươi tự nhiên, hôi, khi đun nấu ra nhiều nước và kém hương vị… Đến nỗi, trứng gà, trứng vịt… (những sản phẩm thuộc loại “phôi” động vật) cũng có loại “sạch” và “không sạch”.
World Cup lần thứ 20 tại Brazil đã đến. Đài Truyền hình Việt Nam vừa vui mừng thông báo với khán giả cả nước là đã ký được hợp đồng truyền hình các trận tranh tài sôi nổi sắp tới với “tín hiệu hoàn toàn sạch”. Đó là tín hiệu thu qua vệ tinh, được các camera quay trung thực tại sân bãi, không có âm thanh nhân tạo (nhạc, lời bình luận viên) và không xen lẫn các video clip quảng cáo. Như vậy, “sạch” không còn là tính từ định ngữ cho một danh từ chỉ sự vật tồn tại hiển hiện trong thiên nhiên (rau cỏ, thịt, nước, không khí…) mà còn “ăn theo” những danh từ chỉ sự vật “vô hình” như tín hiệu điện từ phát trên không trung và cả trên Internet (“mạng sạch” - mạng không bị ô nhiễm bởi thông tin rác rưởi hay sự gây rối của các tin tặc).
Vì thế, “Từ điển từ mới” của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2002) đã bổ sung cho “sạch” một nghĩa mới, là “Không chứa chất bẩn hoặc các yếu tố gây hại do được xử lý theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh”. Nhưng xem ra, sau 12 năm, hình như nét nghĩa này cũng không còn phù hợp, phải bổ sung, bởi hiện thực cuộc sống đã tác động làm thay đổi hiện thực ngôn từ hôm nay.