TS Khánh cho biết, VNCERT đang tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ công bố thông tin vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty Bkav cho biết quan sát của Bkav cho thấy từ 8.5 – 11.5, đã có 220 trang web của Việt Nam bị các tin tặc tự nhận đến từ Trung Quốc tấn công thay đổi giao diện. Trong số các website bị tấn công có 6 website thuộc các sở, ngành địa phương.
Theo Bkav, các cuộc tấn công mạng diễn ra mấy hôm nay chưa gây ra ảnh hưởng lớn do phần website bị tấn công là trang của công ty, cá nhân. Hình thức tấn công có cả tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), thay đổi giao diện...
Các vụ tấn công này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung đang nóng, xuất phát từ việc Trung Quốc đưa trái phépgiàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia thuộc diễn đàn bảo mật HVA cho biết, hiện tượng tấn công này xảy ra mới mang tính chất nhỏ lẻ nếu so sánh với thời điểm 6.2011 khi có gần 2000 website Việt Nam bị phía Trung Quốc tấn công.
Đáng lưu ý là các vụ tấn công hồi 2011 cũng gắn với vụ việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Vào 5.2012, các tin tặc được cho là từ Trung Quốc đã liên tục tấn công vào một loạt các website của Philippines khi quan hệ giữa hai nước này cũng đang căng thẳng liên quan đến vấn đề biển Đông.
Theo đại diện HVA, hạ tầng mạng VN chưa hề được chuẩn bị để gánh các cuộc tấn công quy mô lớn từ Trung Quốc, quốc gia có lưu lượng kết nối lớn hơn 30 lần so với Việt Nam.
Đại diện của HVA khuyến cáo, ngay từ thời điểm này các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần khẩn trương có kế hoạch ứng phó để có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Ở cấp độ cao hơn, các nhà cung cấp dịch vụ (ISP), các trung tâm dữ liệu (Datacenter) nên có sự chuẩn bị dự phòng các cuộc tấn công quy mô lớn về băng thông hoặc các cuộc tấn công nhắm vào các datacenter lớn. Hệ thống trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) cũng cần có sự sự chuẩn bị về hạ tầng trong trường hợp bị tấn công quy mô lớn, hạ tầng internet Việt Nam vẫn có thể đảm bảo các đường kết nối dự phòng, không để xảy nghẽn toàn bộ các đường kết nối.
Trường Sơn
Nguồn tin: Thanhnien