Cảnh sát kiểm tra một xưởng cần sa ở Anh - Ảnh: Reuters |
Bộ Nội vụ Anh ước tính có 13.000 nô lệ ở Anh trong năm 2013. Đa số nạn nhân đế từ Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania.
Bọn tội phạm buôn người bắt nhiều trẻ em Việt Nam phải đi bộ hàng ngàn cây số, đi thuyền và xe trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới đến Anh.
“Bọn buôn người thường đưa trẻ em Việt Nam đến Anh thông qua các nước Nga, Đức, Pháp. Một số trẻ bị ép đi bộ trong rừng để tránh bị phát hiện hoặc ngủ trong những chiếc xe tải”, luật sư người Anh Philippa Southwell cho hay.
Trong những năm gần đây, bà Southwell chuyên thụ lý những án đại diện cho những trẻ em Việt Nam bị bán sang Anh để làm nô lệ lao động trong những xưởng trồng cần sa trái phép.
Một khi đến nước Anh, trẻ em Việt bị bọn buôn người giam cầm như nô lệ và phải làm việc quần quật trong những căn nhà ngụy trang làm xưởng trồng cần sa.
“Thật nguy hiểm. Hàng rào lưới điện bao quanh những căn nhà. Cửa sổ bị đóng đinh dính chặt để không ai có thể trốn thoát”, bà Southwell nói.
Mặc dù cần sa là bất hợp pháp ở Anh kể từ năm 1928, nhưng nó ngày càng trở nên phổ biến ở nước này, theo Reuters.
Cơ quan Giám sát ma túy độc lập của Anh ước tính có đến 2,7 triệu người Anh tiêu thụ trên 1.000 tấn cần sa mỗi năm.
Một xưởng cần sa bị phát hiện trong một quán rượu ở thủ đô London, Anh - Ảnh: Reuters |
Các xưởng trồng
cần sa đội lốp là những căn nhà bình thường nằm cách xa các thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát.
Khi các xưởng cần sa bị cảnh sát phát hiện, những trẻ em mặc dù bị ép phải trồng cần sa lại bị xem là tội phạm hình sự hơn là nạn nhân của nạn buôn người, các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho biết. Chính vì thế mà bà Southwell đang nỗ lực làm việc để giúp trẻ em bị bắt làm nô lệ cho các xưởng cần sa không bị truy tố tội hình sự, theo Reuters.
Vào năm 2013, chính phủ Anh từng tuyên bố dự thảo luật Nô lệ hiện đại. Theo đó, nạn nhân của nạn buôn người có thể được miễn truy tố tội hình sự. Dự kiến dự luật này sẽ được thông qua trong năm nay.