Hãy cẩn thận khi đăng ảnh người khác lên mạng

Thứ năm - 31/03/2016 21:27 783 0
Dường như ở xứ ta việc đưa hình ảnh của một người nào đó lên mạng là chuyện quá bình thường. Nó còn ‘bình thường’ hơn ở chỗ nhiều khi kẻ post ảnh lên với dụng ý không tốt vẫn chẳng pháp luật nào ‘sờ’ đến.
Văn hóa phương Đông và phương Tây vẫn luôn khác biệt, thậm chí đôi khi còn đối nghịch. Ông bà ta vẫn hay “thương cho roi cho vọt” nhưng ở những đất nước tít trời Âu xa xôi thì bố mẹ có thể gặp rắc rối lớn nếu đánh đòn con. Gần đây nhất, Pháp lại khiến nhiều người bất ngờ khi ra luật “có thể phạt tù nếu cha mẹ đăng hình con cái lên mạng xã hội mà chưa được sự đồng ý”. Điều này dấy lên những suy nghĩ, cũng như cảnh báo cho cả những ông bố, bà mẹ Việt, vốn rất vô tư mỗi ngày đưa hình con của mình lên mạng xã hội.
Không ít lần chúng ta phải dở khóc dở cười, xấu hổ và cả ái ngại khi người thân, bạn bè xem và cười đùa những bức hình hồi nhỏ của mình, nhưng đó chỉ là vài người thân quen. Còn khi đăng lên facebook cho cả thiên hạ nhìn thì lại là chuyện khác. Cũng không ít lần chúng ta phải nhăn mặt vì nhiều ông bố bà mẹ rất hay khoe “chim, bướm” của con mình. Đôi khi sự vô tâm sẽ vô tình hủy hoại nhiều thứ, có lúc những chuyện nhỏ lại có thể xé ra rất to. Đăng hình con cái, nhất là những hình “nude”, hay những tình huống nào đó mà chúng chưa chắc đã thích, trước giờ vẫn cho là bình thường thì nay cần phải nghĩ lại.
Trong tâm niệm của người Việt, con cái là của cha mẹ, mặc nhiên hình ảnh của chúng cũng là của cha mẹ, muốn đăng ở đâu thì đăng. Trong thực tế, con cái là một thành viên của gia đình, của xã hội, thì chúng dù còn nhỏ cũng nên có được quyền riêng tư cần thiết.
Đăng ảnh người khác có được phép?
Chỉ mới đây thôi, sau một vụ đụng xe chấn động ở Hà Nội, một bức ảnh của một diễn viên hài đang ngồi trong xe được đăng lên, kèm lời chú thích chiếc xe gây án là của diễn viên này. Đúng là tai bay vạ gió, diễn viên đó đã phải phân bua khổ sở để khẳng định rằng anh không phải chủ nhân chiếc xe. Lạ là người đăng tấm ảnh kia kèm chú thích “vô tội vạ” lại chẳng thấy cơ quan pháp luật để ý tới.
 
 
Có khi chỉ một bức hình vô tình thôi mà khiến người trong hình phải khốn khổ và những hệ lụy sau đó có thể không đơn giản như chuyện bố mẹ khoe hình con cái một cách vô tư mà không cần biết con cái sẽ nghĩ gì.
 
Hoặc cách đây vài năm, bảo tàng Hà Nội dùng một tấm ảnh của một cặp đôi chụp hình cưới theo phong cách Hà Nội cổ để trưng bày trong một triển lãm khiến nhiếp ảnh gia và cả người trong ảnh đều phải lên tiếng phản ứng. Nó cho thấy rằng hiểu biết và văn hóa xin phép sử dụng ảnh, cũng như tôn trọng quyền nhân thân trong quan niệm của nhiều người vẫn chưa được coi trọng.
Hay thậm chí là một cửa hàng dán hình của những người như Kenny Sang, Quân Kun và Long Nhật với lời tuyên bố là cấm vào cửa hàng. Những người dán hình lên trước cửa quán đó không biết rằng mình vừa vi phạm quyền nhân thân trong bức ảnh, vừa có thể bị xem là xúc phạm người khác.
Trừ những người của công chúng, những hình ảnh báo chí thì việc đăng hình, dán hình riêng tư lên những nơi công cộng thì ít nhất phải xin phép người sở hữu bức hình hoặc là người có mặt trong bức hình. Cũng bởi vậy mà Pháp mới yêu cầu cha mẹ nên hỏi ý kiến con cái trước khi đăng hình chúng lên mạng xã hội.
Khó xử lý
“Được vạ thì má đã sưng”, đa số đều ngại va chạm với pháp luật và những rắc rối pháp lý. Chưa kể còn tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và mang đến sự mệt mỏi khi theo đuổi, khiến cho nhiều người e ngại tặc lưỡi bỏ qua, dù bỗng dưng mình trở thành nhân vật chính trong câu chuyện trời ơi đất hỡi nào đó. Trong khi đó, nhiều trường hợp đăng hình lên gây nên những hậu quả cho người khác không hề bị xử lý.
Hiện tại, các chế tài cho hành vi đăng ảnh người khác với mục đích xấu hoặc gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất và tinh thần cho người trong ảnh chưa được quan tâm đúng mức. Tuy vậy, không phải là không có cơ sở pháp lý. Khoản 3, Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Điều 122 bộ luật hình sự 1999 cũng có quy định xử phạt với “hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Bên cạnh vấn đề tình cảm giữa bố mẹ với con cái, giữa mọi người trong xã hội thì vấn đề pháp lý cũng cần phải được quan tâm. Khi chúng ta nhấp chuột để đăng một bức hình nào đó, kèm theo những nội dung về bức hình thì hãy cẩn thận, hãy suy xét cho kỹ. Có khi chỉ một bức hình vô tình thôi mà khiến người trong hình phải khốn khổ và những hệ lụy sau đó có thể không đơn giản như chuyện bố mẹ khoe hình con cái một cách vô tư mà không cần biết con cái sẽ nghĩ gì.

Bùi An

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một thạc sỹ công nghệ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay5,652
  • Tháng hiện tại62,677
  • Tổng lượt truy cập41,243,278
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây