|
The Hindu, một trong những tờ báo lâu đời nhất Ấn Độ, hôm 11.9 dẫn lời ông G. Parthasarathy nhận định cán cân quyền lực thực tế tại châu Á sẽ được xác lập bởi quan hệ giữa bộ ba gồm “một Trung Quốc quân phiệt, hiếu chiến, đang tăng trưởng nhanh, một Nhật Bản già cỗi, nhưng sáng tạo về mặt công nghệ và một Ấn Độ vẫn đang ngập ngừng không biết làm thế nào để giải quyết mối quan hệ tay ba này một cách tốt nhất”.
|
Ông G. Parthasarathy là một quan chức ngoại giao cấp cao lão luyện của Ấn Độ và là một trong những nhà phân tích chính trị hàng đầu nước này.
Một yếu tố đáng chú ý là giữa Ấn Độ và Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có thể dẫn đến căng thẳng giữa 2 nước, chuyên gia này lưu ý.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thực thi các chính sách liên quan đến biên giới trên bộ lẫn trên biển có thể gây ra căng thẳng với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, theo ông Parthasarathy.
“Chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như chuyến thăm Pakistan và Sri Lanka của ông Tập, có thể được xem như động thái tạo cân bằng quyền lực trong tình hình hiện tại”, chuyên gia Ấn Độ đánh giá.
“Từ lâu Bắc Kinh đã cố kiềm hãm Ấn Độ tại Nam Á. Không có biện hộ nào khác cho chuyện nước này trang bị cho Pakistan (quốc gia láng giềng đang có tranh chấp biên giới với Ấn Độ) không chỉ xe tăng, tàu chiến, chiến đấu cơ, mà còn giúp Pakistan phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ sản xuất tên lửa”, ông Parthasarathy phân tích.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng liên tục cố ngăn ảnh hưởng của Ấn Độ tại Nepal, Bhutan, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives, theo cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ.
Ông Parthasarathy còn chỉ trích Bắc Kinh không có thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ khi tìm cách tránh né phân định Đường kiểm soát (LoC), giới tuyến tạm thời giữa 2 nước tại vùng Ladakh.
Mặc dù liên lạc giữa chỉ huy quân đội 2 nước đã được tăng cường, nhưng quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vẫn liên tục đụng độ nhau tại LoC, theo ông Parthasarathy.
“Trong khi chính phủ đang gia tăng sức mạnh phòng ngự tại vùng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc bằng cách tạo ra các đội hình tấn công mới, nâng cấp hệ thống liên lạc và điều động các đội chiến đấu cơ SU-30 tại khu vực, thì các nhà đàm phán của chúng ta đôi khi lại cẩn trọng quá mức và thậm chí còn tỏ vẻ có lỗi với phía Trung Quốc”, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ chỉ trích.
“Đã đến lúc phải thay đổi kiểu suy nghĩ này và bắt tay với các đối tác như Việt Nam và Nhật Bản để thiết lập một cán cân quyền lực ở châu Á”, ông Parthasarathy nói.
Chuyên gia này còn kêu gọi Ấn Độ ít nhất nên cung cấp tên lửa siêu thanh Brahmos cho các quốc gia bằng hữu tại Thái Bình Dương như Việt Nam, Philippines và Indonesia, trong bối cảnh Trung Quốc luôn sẵn sàng dọa nạt các nước láng giềng.
Hoàng Uy
Nguồn tin: Thanhnien