Hội thảo quy tụ các giáo sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng về biển Đông như GS Carl Thayer – chuyên gia nghiên cứu về biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc; GS Ramses Amer – nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Stockholm (Thụy Điển), GS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế ĐH George Mason (Mỹ)…
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: “Biển Đông là vùng biển có vị trí địa chiến lược quan trọng, là tuyến đường vận tải biển quốc tế nhộn nhịp nhất. Chính vì thế, những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông trong những năm gần đây chẳng những gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn ngư dân có truyền thống đánh bắt lâu đời tại ngư trường này, mà còn đe doạ nền hoà bình và quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong khu vực. Nếu ngay bây giờ, chúng ta không nhanh chóng áp dụng những giải pháp thích hợp nhằm giảm căng thẳng và giải quyết những tranh chấp này, sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa các quốc gia trong khu vực”.
GS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế ĐH George Mason (Mỹ) - nhận định: Trong những năm gần đây, xung đột trên biển Đông và những áp đặt đơn phương về yêu sách lãnh thổ đã gây ra căng thẳng, đe dọa hòa bình khu vực, an ninh và tự do hàng hải cũng như ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn ngư dân. Những thất bại trong việc giảm căng thẳng có thể dẫn đến những xung đột nguy hiểm hơn, vì thế điều quan trọng là phải tìm cách để giải quyết các xung đột trong hòa bình, giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và ngoại giao. Trọng tâm của hội thảo lần này không phải bàn về những xung đột đã, đang diễn ra mà tìm giải pháp để giải quyết xung đột không phải bằng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ khí.
Dưới đây là một số tham luận tại hội thảo.
Võ Minh Tập (ĐH KHXHNV – ĐH QG TPHCM): Quan điểm cá nhân về ASEAN và cách giải quyết tranh chấp trên biển Đông trong bối cảnh mới
Từ năm 2009, Trung Quốc ngày càng có những hành động trắng trợn đối với khu vực biển Đông thông qua nhiều kênh, từ ngoại giao, quân sự đến kinh tế… và gần đây nhất là việc đặt giàn khoan HD981 vào vùng lãnh hải của Việt Nam, đặt ra các mối đe dọa cho hòa bình và an ninh khu vực.
Đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng đến nay, tình hình vẫn có vẻ bế tắc. Đây thực sự là một vấn đề nóng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với vấn đề biển Đông, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin. Sau chiến tranh lạnh, vấn đề giải quyết xung đột ngày càng căng thẳng.
Tuyên bố chung của ASEAN vừa qua, mặc dù đã có nhưng chưa rõ ràng. ASEAN cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, đối thoại với các nước lớn để xây dựng mối quan hệ đồng thuận để đưa vấn đề này ra trao đổi. Khối ASEAN cần phải sử dụng các giải pháp ngoại giao khôn khéo và thông minh, với chiến lược linh hoạt và nguyên tắc để đối phó với Trung Quốc.
Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nâng cao tiếng nói của mình trong việc phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. ASEAN cần sử dụng sức ép quốc tế, yêu cầu Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp biển Đông ra xét xử theo các điều luật quốc tế, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trường hợp Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc, mặc dù khó đoán được kết quả nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện này sẽ mở ra một bước giải pháp cho các tranh chấp và xung đột liên quan đến biển Đông.
Ming Wan (ĐH George Mason, Mỹ): Cái nhìn tương phản của Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp trên biển Đông
Trung Quốc muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, đòi hỏi quyền sở hữu của mình trên biển Đông, nhất là khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc coi sự có mặt của mình ở biển Hoa Đông là phù hợp với lợi ích của họ thì Nhật Bản coi căng thẳng trên biển Hoa Đông là sự tranh chấp về quyền lãnh hải.
Tình huống càng khó khăn khi Trung Quốc ngày càng đưa ra những yêu sách bành trướng cũng như những nguyên tắc cứng nhắc để đạt được yêu sách của mình.
Nhật Bản đang nỗ lực tham gia các cuộc đối thoại để đảm bảo an toàn cho khu vực. Nhật Bản đã đưa ra các nỗ lực thay đổi Hiến pháp và chính sách quốc phòng của mình. Gần đây nhất trong bài phát biểu của Thủ Abe Shinzo tại Đối thoại Shangri-La đã cam kết một vai trò an ninh lớn hơn cho đất nước của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa, bao gồm cả Biển Đông.
Sự tương phản giữa quan điểm của Nhật Bản và Trung Quốc có thể nhận thấy trong các sự kiện gần đây. Thủ tướng Nhật Bản Abe đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN đặc biệt tại Tokyo vào tháng 12.2013. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đã đến thăm tất cả 10 nước ASEAN nhằm tìm kiếm liên minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, đồng thời chuyển hướng sự chú ý của Trung Quốc đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng các báo cáo cũng chỉ ra rằng, kết quả đạt được là rất ít. Căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật đã làm phức tạp các nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ song phương, bất chấp một số dấu hiệu của sự hàn gắn giữa 2 bên.
Evgeny Kanaev (ĐH-Cao Kinh tế quốc dân và Học viện quan hệ quốc tế Moscow, Bộ Ngoại giao, Nga): Quan điểm của Nga về thúc đẩy xu hướng hợp tác trên biển Đông
Bằng cách phát triển quan hệ với các nước láng giềng Châu Á-Thái Bình Dương, Nga có kế hoạch đa dạng hóa chính sách đối ngoại. Trước mắt, ngoại giao năng lượng có thể sẽ là nền tảng trong chính sách của Nga, trên cơ sở đó phát triển và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như công nghệ, chế tạo…
Bằng cách phát triển các mối quan hệ với các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Nga có thể góp phần tạo nên một hình ảnh toàn cầu hóa khác với quan điểm của Mỹ. Toàn cầu hóa này sẽ tập trung vào việc hình thành một thế giới đa trung tâm dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không sử dụng vũ lực và các bên cùng có lợi. Nga đang phát triển một chiến lược Châu Á toàn diện, trong bối cảnh hiện nay, Nga không có sự phân biệt trong quan hệ với các đối tác bất kể họ có phải là đồng minh của Mỹ hay không.
Đối với khối ASEAN, Nga cũng tham gia hỗ trợ trong các cơ chế đối thoại đa phương như ARF, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN +8… Tuy nhiên Nga khẳng định không tham gia vào những mâu thuẫn đang tồn tại trên biển Đông. Moscow không đóng vai trò hòa giải mà chỉ tăng cường các mô hình hợp tác của khu vực với những kết quả tích cực nhằm bồi đắp hòa bình và an ninh trong khu vực biển Đông.
S.D. Pradhan (ĐH Chandigarh, Nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ): Cuộc chơi của Trung Quốc trên vùng biển Đông
Những hoạt động của Trung Quốc đang ngày càng mang tính gây hấn không chỉ ở khu vực biển mà cả ở đất liền đối với các quốc gia có chung biên giới. Trong thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực, tuy nhiên những nỗ lực đó không được Trung Quốc tôn trọng. Trong nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đã phớt lờ các hiệp định đã ký với các quốc gia, xây đảo, tuyên bố chủ quyền tại những khu vực biển không thuộc Trung Quốc. Xung đột trên biển Hoa Đông, Biển Đông là một trong những gây hấn của Trung Quốc.
Rõ ràng Trung Quốc đang chơi một trò chơi mang tính 2 mặt, một mặt vẫn theo đuổi các chính sách ngoại giao nhưng vẫn bành trướng các hoạt động của mình như đòi quyền lãnh thổ của đảo Senkaku cũng như đòi chiếm các đảo của VN. Đó là chính sách 2 mặt của Trung Quốc được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Theo tôi, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ, không chấp nhận quan hệ đa phương mà chỉ song phương nhằm bẻ gãy các mối quan hệ trong khối ASEAN.
Việc Trung Quốc tuyên bố “đường 9 đoạn” hay thành lập tỉnh Tam Sa, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhằm vẽ lại bản đồ Trung Quốc, đặc biệt là hải đồ, đưa 113 đảo san hô, bãi cạn của Biển Đông vào khu vực của Trung Quốc càng khẳng định mưu đồ bành trướng, bá quyền trong khu vực.
Cùng với đó là việc xây dựng các tiền đồn, đưa các chiến hạm ra vùng biển để thị uy. Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ thế cân bằng và tin rằng sẽ không bị một tác động nào từ quốc tế. Yêu cầu cộng đồng quốc tế phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, buộc Trung Quốc phải rút ra khỏi các khu vực chiếm đóng, gỡ bỏ các công trình đã áp đặt trên lãnh thổ nước khác. Cộng đồng quốc tế phải có tiếng nói chung đủ mạnh và có sức răn đe đối với việc vi phạm luật quốc tế, cần hỗ trợ các nước nhỏ trong việc ổn định an ninh hàng hải của mình. COC cần phải được thông qua và thực hiện.
Đoàn Thi Quang (ĐH Queensland, Úc): Chính sách đối ngoại của Việt Nam và tranh chấp trên biển Đông
Biển Đông liên quan tới nhiều bên tranh chấp cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei. Tuy nhiên, những căng thẳng chính là giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, những nước tích cực nhất trong việc bảo vệ quyền của mình trên vùng lãnh hải. Trong bối cảnh này, liệu Việt Nam có sử dụng phương pháp tiếp cận đa phương hoặc song phương hay một phương pháp kết hợp của cả 2 để đối phó với sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc?
Để đối phó với các tranh chấp Biển Đông, Việt Nam thích cách tiếp cận đa phương vì có nhiều lợi ích hơn. Trước hết, tiếp cận đa phương có thể khiến Trung Quốc thay đổi hành vi trên biển Đông mà không làm thiệt hại đến kinh tế song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc nên nỗ lực tiếp cận với ASEAN, để ASEAN dẫn dắt các cuộc đối thoại đa phương, tìm kiếm sự hỗ trợ trong khu vực trong việc đối phó với Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, Hà Nội đối đầu gián tiếp với Bắc Kinh thông qua ASEAN. Tôn chỉ của ASEAN là đồng thuận, không can thiệp vào nội bộ các nước và giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, rất phù hợp với mục tiêu đối ngoại và quốc phòng của Việt Nam. Giải quyết vấn đề biển Đông thông qua khuôn khổ đa phương của ASEAN có thể giúp Việt Nam tránh được sự can thiệp từ bên ngoài và vẫn giữ được chủ quyền của mình. Đây là mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách biển Đông của Việt Nam.
Nếu đối thoại đa phương không giải quyết được tranh chấp thì ít nhất, các sáng kiến của ASEAN có thể giúp duy trì được tình trạng hiện tại trong khu vực biển Đông. Đây là chiến lược ngắn hạn của Việt Nam, có thể xem như một kiểu chiến lược trì hoãn để các bên tranh chấp có thời gian củng cố lãnh thổ.
Trong Sách trắng về quốc phòng năm 2009, Việt Nam khẳng định: Trong khii tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề này, các bên liên quan cần tự kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về cư xử của các bên ở biển Đông (DOC), tập trung xây dựng các quy tắc ứng xử (COC) để đạt được hòa giải và bình ổn lâu dài cho vấn đề phức tạp này, giữ hòa bình, hữu nghị và phát triển trên biển Đông.
Trương Minh Huy Vũ và Nguyễn Thế Phương (ĐH Quốc gia TPHCM): Khoa học trong việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông
Qua sử dụng "ngoại giao khoa học", các học giả Việt Nam có thể chống lại cách tuyên truyền một chiều của Trung Quốc cũng như xây dựng nhận thức đúng đắn về chủ quyền của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. "Khoa học" và "ngoại giao khoa học" có thể là một trong những lựa chọn tốt nhất cho các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi áp dụng chiến lược này vì nhiều lý do: Chênh lệch thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc; tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và tính hợp lý trong những lập luận pháp lý của Việt Nam.
Tiếp cận đa phương là một trong những chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam: "Trong tranh chấp nhiều mặt ở Biển Đông, Việt Nam tin rằng đó là vấn đề song phương nên được giải quyết theo cách song phương, và đó vấn đề là đa phương cần được giải quyết theo cách đa phương giữa các đối tác có liên quan".
Bước đầu, Việt Nam và một số nước ASEAN như Philippines, Indonesia đã thành công trong trong việc đặt vấn đề biển Đông lên bàn thảo luận tại các diễn đàn khu vực về an ninh chính trị. Quốc tế hóa và đa phương trong tranh chấp biển Đông sẽ hướng đến việc cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Từ năm 2010, các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc lần lượt lên tiếng tái khẳng định, biển Đông là khu vực quan trọng, ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều quốc gia, do đó các tranh chấp phải được thảo luận và giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng.
Một ưu điểm khác nữa là tăng tính lập luận hợp pháp của Việt Nam về chủ quyền với những bằng chứng lịch sử và bản đồ, trong khi Trung Quốc không thể chứng minh được rõ ràng như Việt Nam.
Du Văn Toàn và Lê Vĩnh Trương, Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á: Kế hoạch cho hàng hải Việt Nam về môi trường và chủ quyền
Hiện nay, việc quản lý các nguồn tài nguyên và môi trường biển của Việt Nam chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương và địa phương. Việt Nam đã công bố một số kế hoạch về các tỉnh ven biển, đảo và cảng biển, nhưng sẽ là không đủ nếu không xây dựng được bản đồ định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2020 tầm nhìn 2110 để làm cơ sở vững chắc, phát triển bền vững, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Khu vực biển Đông đang nằm trong vùng chồng lấn đường biên giới biển của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC), tuy nhiên các cuộc xung đột, va chạm vẫn xảy ra thường xuyên, tạo nên khó khăn cho việc tìm ra giải pháp chính trị của lãnh hải.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể đưa ra một đề nghị để các bên liên quan cùng xem xét: Đó là thành lập một tiểu vùng để bảo tồn thiên nhiên bao gồm vịnh Thái Lan và cả khu dự trữ sinh quyển Phú Quốc (Kiên Giang).