Tin tức Tham khảo, phụ san của Tân Hoa Xã ngày 11/12 dẫn nguồn tin tờ World Politics Review Mỹ ngày 8/12 bình luận, trong những năm trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân, Iran và Trung Quốc phát hiện ra lợi ích của họ có lúc thống nhất, có lúc tồn tại bất đồng.
Ngày 6/12/2015, biên đội hộ tống tốp thứ 22 Hải quân Trung Quốc đã rời cảng đến Ấn Độ Dương thực hiện nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển. Trong hình là tàu hộ vệ Đại Khánh của Hải quân Trung Quốc |
Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước trở đi, dưới sức ép của Mỹ, Trung Quốc đã giảm quan hệ quốc phòng với Iran. Đồng thời, Bắc Kinh không muốn phương Tây và Iran khai chiến.
Ngoài ra, trong bối cảnh phương Tây tìm cách cô lập Iran, việc Iran không khuất phục là một lực lượng kiềm chế Mỹ ở Trung Đông, phù hợp với lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Xung đột với Iran trong vấn đề hạt nhân cũng đã gián tiếp đe dọa Trung Quốc, bởi vì chiến tranh có khả năng phá hoại cung ứng năng lượng của khu vực Trung Đông, trong khi đó, sự lệ thuộc của Trung Quốc đối với năng lượng Trung Đông ngày càng lớn.
Đương nhiên, Trung Quốc luôn có thể dựa vào Saudi Arabia để bổ sung những tổn thất từ lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran. Nhưng Trung Quốc không thể né tránh rủi ro eo biển Hormuz bị phong tỏa.
Khi cuộc khủng hoảng hạt nhân rơi vào cục diện bế tắc, các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và hải quân Iran thường coi đây là mối đe dọa. Khoảng 30% thương mại dầu mỏ trên biển phải đi qua eo biển này.
Biên đội hộ tống tốp thứ 22 của Hải quân Trung Quốc |
Khác với Hạm đội 5 Hải quân Mỹ phụ trách hành động ở vịnh Péc-xích, Hải quân Trung Quốc không có đủ năng lực để tự thực hiện các hành động tầm xa, bảo đảm tuyến đường biển quan trọng này không bị phong tỏa.
Trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước vùng Vịnh, đặc biệt là hợp tác hải quân với Iran.
Mặc dù sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, họ cũng tiếp tục làm như vậy, nhưng Bắc Kinh phải cân bằng tốt hai loại quan hệ, đó là quan hệ giữa họ với Tehran và quan hệ kinh tế và hải quân với Saudi Arabia - một đối tác hợp tác vùng Vịnh khác của Trung Quốc và là đối thủ của Iran.
Trung Quốc tìm cách mở rộng hợp tác hải quân với Iran, một biểu hiện gần nhất là vào tháng 10 vừa qua, tướng hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc thăm Iran, tìm kiếm tăng cường quan hệ quân sự song phương.
Trong chuyến thăm của Tôn Kiến Quốc, hai bên đã ký kết một số bản ghi nhớ, quyết định tăng cường hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực như đào tạo, vấn đề công nghệ, thông tin bí mật, tác chiến mạng và "hành động chống khủng bố".
Tháng 10 năm 2015, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc thăm Iran |
Từ khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran đến nay, Bắc Kinh còn tìm cách tận dụng môi trường quốc tế mới, đưa Iran vào trong kế hoạch xây dựng hạ tầng và thương mại "Một vành đai, một con đường" đầy tham vọng.
Trong thời gian thăm Iran, cùng với nhấn mạnh giao lưu hữu nghị giữa quân đội hai nước, Tôn Kiến Quốc còn nhấn mạnh tầm quan trọng của "xây dựng lại" con đường tơ lụa, thúc đẩy cùng phát triển, nhưng ông không đề cập tới bất cứ dự án xây dựng hạ tầng cụ thể nào.
Trên thực tế, trước khi Tôn Kiến Quốc thăm Iran, quan hệ quốc phòng hai nước đã có tiến triển. Tháng 9 năm 2014, Iran và Trung Quốc đã tổ chức diễn tập hải quân tìm kiếm cứu nạn liên hợp và diễn tập huấn luyện.
Trung Quốc cử 2 tàu chiến gồm tàu tàu khu trục Trường Xuân và một tàu hộ vệ tên lửa của hạm đội thứ 17 tham gia diễn tập. Địa điểm tổ chức diễn tập đối diện với căn cứ vĩnh viễn của Hạm đội 5 Mỹ ở Bahrain.
Do hoạt động hạt nhân của Iran và phương Tây trừng phạt, khi đó, quan hệ giữa Iran và phương Tây ngày càng căng thẳng.
Tháng 9/2014, biên đội hộ tống tốp thứ 17 Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran |
Bị phương Tây cô lập từ lâu, Iran cũng luôn tìm cách tăng cường hợp tác với Bắc Kinh. Trong chuyến thăm tháng 10 của Tôn Kiến Quốc, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hassan Firouzabadi tuyên bố "kẻ thù của kẻ thù chính là bạn", ý nói Trung-Mỹ đối đầu trên Biển Đông, trong khi Tehran và Washington đối địch.
Tháng 10 năm 2014, Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hải quân thăm Trung Quốc, đã tham quan căn cứ hải quân ở Thượng Hải và Hạm đội Bắc Hải ở Thanh Đảo.
Được biết, Iran có 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và mười mấy tàu ngầm cỡ nhỏ. Điều này gây nghi ngờ về mục đích tăng cường quan hệ hải quân giữa hai nước Trung Quốc và Iran cũng như ý đồ của hai bên đối với hoạt động trinh sát khu vực vịnh Péc-xích trong tương lai.
Đồng thời, Trung Quốc và Iran tăng cường hợp tác có thể làm cho Saudi Arabia cảm thấy không hài lòng. Saudi Arabia là nước cung ứng dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, cũng là một đối tác hợp tác hải quân khác của Bắc Kinh ở khu vực Vùng Vịnh.
Ngày 15/10/2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc hội đàm với Tư lệnh Hải quân Saudi Arabia Abdullah Sultan |
Cùng với tiếp xúc với Iran, Trung Quốc luôn tiến hành "ngoại giao cập cảng" với Saudi Arabia. Chẳng hạn, trước thềm Tôn Kiến Quốc thăm Iran, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã tiếp đón Tư lệnh Hải quân Saudi Arabia Abdullah Sultan.
So với quan hệ hải quân giữa Trung Quốc với Iran, cấp độ tiếp xúc hải quân giữa Trung Quốc với Saudi Arabia cao hơn. Nói chung, quan hệ giữa Trung Quốc và Saudi Arabia rộng mở hơn, những năm gần đây đã có sự phát triển rất lớn.
Nhưng, khác với Iran, Saudi Arabia là đối tác quốc phòng thân thiết của Mỹ, cũng là một người bảo vệ lợi ích an ninh của họ ở khu vực vùng Vịnh.
Vì vậy, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Trung trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tự do đi lại ở Biển Đông khiến cho dư luận rất khó nhìn rõ hợp tác hải quân giữa Trung Quốc và Saudi Arabia trong tương lai có thể tăng cường và mở rộng đến mức độ nào.
Máy bay chiến đấu của Liên minh các nước Ả rập đứng đầu là Saudi Arabia không kích phiến quân Houthi ở Yemen |
Chỉ có thể dự đoán, thông qua quan hệ thân mật với Bắc Kinh, Riyadh đang tìm cách gây ảnh hưởng tới Washington sau thỏa thuận hạt nhân Iran, nhận được viện trợ quân sự và cam kết an ninh nhiều hơn của Mỹ.
Ngoài ra, điều tạo ra sự đối lập rõ rệt với Iran là, từ khi Saudi Arabia can thiệp Yemen, tìm cách truy quét lực lượng nổi dậy/phiến quân Houthi và ủng hộ Tổng thống Yemen Abd al-Rahman Mansur al-Hadi, kế hoạch đưa Saudi Arabia vào sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc bất ngờ thay đổi.
Sau khi Saudi Arabia phát động không kích, Trung Quốc lập tức bày tỏ lo ngại đối với việc tình hình Yemen xấu đi.
Kinh nghiệm cho thấy, Trung Quốc không thích khu vực bất ổn, bởi vì nó đe dọa đến đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài và công dân Trung Quốc.
Nhưng vùng biển xung quanh vịnh Aden đã tạo ra tuyến đường giao thông và vận tải trên biển rất quan trọng, đặc biệt là đối với dầu mỏ đến từ bờ biển Đỏ của Saudi Arabia và hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Eo biển Hormuz |
Giống như Washington, Bắc Kinh rất coi trọng tự do đi lại của vịnh Aden. Điều này có thể nhìn thấy từ việc Trung Quốc tham gia vào hoạt động hộ tống quốc tế ở khu vực này từ năm 2008 đến nay.
Trung Quốc đang cùng phát triển quan hệ với hai quốc gia chủ yếu - hai đối thủ của nhau ở khu vực vùng Vịnh. Đồng thời Bắc Kinh cũng cùng với họ tìm kiếm cân bằng giữa hợp tác quân sự với hiện thực kinh tế và an ninh, ngoại giao hải quân của họ với Iran và Saudi Arabia rất khó thuận buồm xuôi gió.