|
Chọn mua hàng Việt tại chương trình bán hàng do Sở Công thương tổ chức tại Gia Nghĩa. Ảnh: Thanh Nga |
Tuy tổng số điểm ở các chỉ số thành phần năm 2012 của Ðắk Nông chỉ tăng gần 1 điểm so với năm 2011 (năm 2011 đạt 52,89 điểm), nhưng thứ hạng lại được cải thiện rất lớn và từ nhóm trung bình vươn lên ở nhóm khá. Ðiều này cũng đã thể hiện khá sát tình hình chung của cả nước trong năm 2012 với sự sụt giảm đáng kể lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh.
Ðiều đáng nói, qua số liệu công bố cho thấy, một số chỉ số thành phần hầu như bị tụt giảm trầm trọng ở nhiều tỉnh, thành thì Ðắk Nông vẫn duy trì mức tăng hoặc có giảm cũng không đáng kể so với năm 2011. Chỉ đơn cử như so với các tỉnh trong khu vực, Ðắk Nông đứng sau Gia Lai và Ðắk Lắk, vượt lên Kon Tum và Lâm Ðồng trong bảng tổng sắp.
Không những thế, trong 9 chỉ số thành phần, Ðắk Nông có 3 chỉ số cao nhất khu vực như: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: 6,63 điểm; tính minh bạch và tiếp cận thông tin: 6,09 điểm; thiết chế pháp lý : 4,39 điểm. Một số chỉ số tuy chưa vượt lên đứng đầu khu vực, nhưng lại ghi nhận sự tăng điểm mạnh như chi phí gia nhập thị trường: 7,73 điểm, tăng 0,43 điểm và tính năng động và tiên phong của lãnh đạo: 5,56 điểm, tăng 0,89 điểm.
Ngoài ra, các chỉ số còn lại tuy thứ hạng chưa cao, nhưng vẫn có mức tăng như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: 3,74 điểm và đào tạo lao động: 3,6 điểm. So sánh với điểm trung vị PCI năm 2012, các chỉ số thành phần của tỉnh không đến nỗi ảm đạm. Ngược lại, trong 9 chỉ số thì có đến 6 chỉ số trên điểm trung bình và 3 chỉ số xấp xỉ đạt điểm trung bình. Hơn thế, riêng về chỉ số thiết chế pháp lý, Ðắk Nông xếp ở vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ðiều này cho thấy, sự quan tâm toàn diện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm mà tỉnh đã thực hiện thời gian qua là có cơ sở thực tiễn. Chỉ đơn cử, vấn đề tiếp cận và ổn định đất đai, nếu như trước đây, doanh nghiệp được tham khảo đều đánh giá thấp thì năm 2012 lại chiếm được số điểm khá cao. Ðây cũng là điều dễ hiểu, bởi thời gian qua, với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về đất đai theo hướng tạo thuận tiện cho doanh nghiệp.
Trong đó, dễ thấy nhất là UBND tỉnh đã có sự can thiệp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề mặt bằng để triển khai dự án. Mặt khác, thông qua bảng điểm đánh giá chi tiết từng chỉ số còn cho thấy việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Nổi bật nhất có thể kể đến chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Nếu như năm 2011, mặc dù tổng quan PCI của tỉnh có bước tiến đáng kể, nhưng chỉ số này vẫn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao thì sang năm 2012 đã vượt lên, trở thành một trong 3 chỉ số đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân một phần lớn là nhờ tỉnh đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xem đây là một trong những lĩnh vực cần “đi tắt, đón đầu” để đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin về chủ trương, chính sách, tiềm năng của tỉnh đối với người dân, doanh nghiệp.
|
Nguồn vốn luôn được Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh giải ngân kịp thời cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Lương |
Theo đó, ngoài việc đầu tư nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, các đơn vị, cấp ngành đã từng bước triển khai các phần mềm, chương trình ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, công tác nghiệp vụ. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 18 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 3 đơn vị cấp huyện được trang bị và triển khai liên thông hệ thống văn phòng điện tử (eOffice) để trao đổi thông tin, công việc giữa các đơn vị; 17/23 sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử kết nối với Cổng Thông tin điện tử của tỉnh cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.
Các cổng thông tin điện tử này đã cung cấp 1.507 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2 phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Ðặc biệt, một số đơn vị như Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để phục vụ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Từ đây cho thấy, chỉ trong 2 năm 2011 và 2012, PCI của Ðắk Nông đã có cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục từ vị trí áp chót lên vị trí 48/63 tỉnh, thành. Tuy kết quả trên cũng chỉ là cuộc điều tra xã hội về cảm nhận của các doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh cấp tỉnh, song phần nào đã phản ánh khá sát thực trạng về cơ chế, chính sách, khả năng điều hành của lãnh đạo tỉnh trong thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Cũng từ đây, một lần nữa, lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh có cái nhìn khách quan, trung thực về lĩnh vực này; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, có sự cải cách mạnh mẽ để nâng thứ hạng PCI của tỉnh lên một vị trí cao hơn.
Hà An