|
Tại TP.HCM, ở những nơi không có đèn tín hiệu giao thông, việc đi bộ băng qua đường thực sự nguy hiểm. Cho dù người đi bộ đi đúng ở phần đường có vạch sơn dành cho mình, nhưng phần lớn người chạy xe đều không có ý thức nhường. Được hỏi điều gì “ấn tượng nhất” trong những ngày lưu lại TP.HCM khi về thăm quê hương, chị Lê Liễu, Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Đức, trả lời ngay: “Ở đây xe không nhường đường cho người đi bộ như ở bên Đức”.
Luật Giao thông đường bộ quy định tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn. Luật quy định như vậy, nhưng có mấy người tuân thủ?
Ông Nguyễn Minh Đồng (cũng là Việt kiều Đức, đã về sinh sống tại TP.HCM nhiều năm qua), nhận xét: "Ở Việt Nam không ai nhường cho người đi bộ cả. Trong khi đó, ở bên Đức và cả ở Mỹ, chỉ cần gây khiếp sợ cho người đi bộ như làm cho người đi bộ hoảng hốt vội vã lùi về vỉa hè là người đi xe cơ giới có thể bị phạt (bị ghi hình qua hệ thống camera)".
Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh không dám cho con đi bộ dù trường ở gần nhà. Trong khi ở Nhật Bản, trẻ em tiểu học đều tự mình đi bộ đến trường. Ý thức bảo vệ trẻ em đã ăn sâu vào tâm thức của tất cả mọi người dân Nhật, hễ thấy trẻ em đi qua đường là mọi người đều nhường. Một cựu cán bộ Sở GTVT TP.HCM đề nghị: “VN hãy bắt đầu từ mục tiêu đơn giản là làm thế nào cho trẻ em có thể tự đi bộ đến trường một cách an toàn”.
|
Để làm được điều đó, bên cạnh việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông là việc đầu tư nghiêm túc và đồng bộ hạ tầng cho người đi bộ. Khu vực trung tâm đa số có hệ thống đèn tín hiệu, ngày càng hoàn chỉnh và tối ưu, khoa học, đã giải quyết được phần lớn cho người đi bộ. Ở những nơi không đáp ứng được nhu cầu (cung không đủ cầu) thì hãy nghĩ đến những công trình như cầu vượt hoặc hầm cho người đi bộ. Như trên những tuyến metro dự kiến lượng người đi bộ sẽ gia tăng thì phải có kế hoạch đầu tư hạ tầng cho người đi bộ ngay từ bây giờ. Trước hết là trên xa lộ Hà Nội, cần thiết có cầu vượt cho người đi bộ khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi qua tuyến đường này. “Vận tải hành khách công cộng sẽ đảm trách 50% việc đi lại của người dân, đó là mục tiêu mà TP.HCM hướng đến (gấp 10 lần hiện nay). Người dân muốn sử dụng phương tiện vận tải công cộng phải đi bộ từ nhà, nơi làm việc đến bến xe buýt, ga metro… nên nếu thiếu hạ tầng cho người đi bộ thì không thể đạt được mục tiêu đó”, ông Nguyễn Công Minh, cựu cán bộ Sở GTVT TP.HCM, cảnh báo.
Bỏ quên “đèn vỗ” Trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM) là nơi có lượng người đi bộ băng qua đường rất đông, trong khi dòng xe cộ vẫn nườm nượp lưu thông. Nhiều bà mẹ không khỏi cảm giác lo sợ mỗi khi bồng bế, dẫn dắt con băng qua đường, dù đi đúng vạch sơn trên phần đường dành cho người đi bộ. Theo những người dân địa phương, khu vực này trước đây (khoảng năm 2004) có đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ. Giờ trụ đèn vẫn còn nằm đó, nhưng đã ngưng hoạt động từ lâu. Loại “đèn vỗ” này được Sở GTVT TP.HCM lắp đặt tại 19 địa điểm. Người đi bộ khi cần qua đường chỉ cần “vỗ” vào nút trên trụ điều khiển, đèn sẽ báo tín hiệu đỏ để xe lưu thông trên đường dừng lại và tín hiệu xanh cho người đi bộ băng qua. Loại đèn này được sử dụng rất phổ biến ở nước ngoài, trong khi tại VN hầu như ít người dân biết đến, cho nên nhiều người không sử dụng. |
Mai Vọng