Không đạt tiêu chí văn hóa, nhiều thôn, bon bị “mất điểm”

Thứ hai - 16/03/2015 05:10 1.150 0
Theo quy định, để được công nhận là thôn, bon, buôn, tổ dân phố văn hóa thì địa phương đó phải đạt các tiêu chí như: có đời sống kinh tế ổn định, phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; vệ sinh môi trường sống sạch, đẹp; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế; có sân luyện tập thể dục, thể thao, hội trường, nhà văn hóa cộng đồng…

Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn chưa thực sự chú trọng đến việc xây dựng các công trình vệ sinh; một số hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao chưa được duy trì một cách đều đặn... làm cho địa phương bị “mất điểm” khi tham gia bình xét danh hiệu văn hóa; trong đó có cả những địa phương trước đó đã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, nhưng nay bị… rớt.

Tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông vẫn diễn ra là lý do khiến nhiều thôn, bon trên địa bàn bị “mất điểm” khi bình xét danh hiệu văn hóa

Đơn cử như bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) đã được công nhận danh hiệu bon văn hóa năm 2013, nhưng tình trạng xả rác bừa bãi, chăn nuôi gia súc thả rông vẫn diễn ra nên không còn giữ danh hiệu này nữa.

Theo anh Y Bling, Trưởng bon Bu Đắk thì mặc dù Ban tự quản bon đã ra sức vận động người dân thực hiện tốt các nội dung của quy ước, hương ước, nhưng do đời sống còn khó khăn, nhận thức hạn chế nên một số hộ dân vẫn duy trì lối sống lạc hậu. Tập quán chăn nuôi gia súc theo lối thả rông, vừa không đem lại hiệu quả kinh tế, lại gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tương tự, bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) năm 2014 đã bị “rớt” danh hiệu văn hóa một phần lớn cũng là do vệ sinh môi trường kém và tỷ lệ hộ nghèo trong bon còn khá cao.

Theo anh Y'Khiêm, Trưởng bon Bu Sốp thì để đạt được danh hiệu văn hóa, trong những năm qua, bà con trong bon đã nỗ lực đoàn kết thực hiện tốt các tiêu chí. Vậy mà chỉ do một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức đúng đắn việc gìn giữ vệ sinh chung nên vẫn duy trì việc chăn nuôi gia súc thả rông, không xây nhà vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nên ảnh hưởng đến thành tích chung của bon. Ban tự quản bon cũng thường tổ chức họp dân để triển khai, vận động thực hiện các tiêu chí văn hóa, nhưng kết quả không như mong muốn.

Còn thôn 5, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) mặc dù thực hiện tốt các nội dung, tiêu chí của hương ước thôn, nhưng do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình vận động người dân đóng góp tiền của để xây dựng đường giao thông nông thôn nên năm 2014 cũng không giữ vững được danh hiệu văn hóa.

Anh Đinh Công Ngát, Trưởng thôn 5 cho biết: “Để đạt danh hiệu văn hóa, không chỉ thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  mà còn cần phải có sự đồng thuận, đoàn kết của người dân trên địa bàn khi thực hiện các hoạt động của địa phương. Chỉ cần một tiêu chí nhỏ không đạt thì đã làm thôn “mất điểm” khi bình xét, đề nghị tặng danh hiệu văn hóa”.

Dù vậy, xét về một góc độ nào đó cho thấy, việc một số thôn, bon bị “rớt” danh hiệu văn hóa cũng đã phần nào phản ánh được việc xét chọn, công nhận danh hiệu văn hóa đã ngày càng đi vào thực chất, nghiêm túc hơn, hạn chế được hình thức.

Vì vậy, để cho phong trào xây dựng thôn, bon văn hóa trên địa bàn đạt chất lượng cao thì chính quyền, đoàn thể các cấp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí văn hóa cũng như các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: văn hóa
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay3,903
  • Tháng hiện tại48,882
  • Tổng lượt truy cập41,333,082
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây