Ngày 13-5, một số nhà khoa học thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cùng với Diễn đàn Các nhà báo môi trường (VFEJ) đã có cuộc trao đổi xung quanh 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Trước đó, ngày 12-5, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long Gia Lai) đã gửi VFEJ thông tin mới nhất và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Phản khoa học
Trong thông tin gửi VFEJ, Công ty Đức Long Gia Lai đã cung cấp văn bản của doanh nghiệp này gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc “báo cáo các dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”.
Đoàn Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đi giám sát thực địa tại nơi dự định xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 mới đây. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Tại văn bản này, Công ty Đức Long Gia Lai tiếp tục cho rằng kết quả khảo sát của đơn vị lập ĐTM cho thấy hệ động, thực vật khu vực dự án là các loài phổ biến, có vùng phân bố rộng, dễ thấy ở nhiều nơi như rừng thường xanh, rừng lồ ồ, trảng cây bụi ven sông và trên các nương rẫy. Tác động của dự án là chỉ làm giảm số lượng cá thể động, thực vật nhưng không làm mất đi hoàn toàn gien, loài cũng như không làm giảm sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng của Vườn Quốc gia Cát Tiên…
Trước đánh giá này, TS Đào Trọng Hưng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết nhiều bộ, ngành và ĐTM thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cũng như chính Công ty Đức Long Gia Lai nhìn nhận 2 thủy điện này ăn vào đất rừng nghèo, không có trữ lượng gỗ lớn, thú lớn mà chỉ có lồ ô, tre nứa, loài thú nhỏ… nên không cần phải bảo tồn. “Nhận định như vậy là không chính xác và phản khoa học” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, nguyên tắc bảo tồn không chỉ thuần túy cho những loài cụ thể mà bản thân các loài còn là chuỗi thức ăn của các loài khác. Các tập thể sinh học và quần xã sinh vật này có mối liên quan mắt xích, tự điều hòa lẫn nhau… Đây chính là yếu tố để UNESCO công nhận Cát Tiên là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” và tỉnh Đồng Nai đang làm hồ sơ trình tổ chức này công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.
Né tránh nhiều vấn đề
Nhìn nhận về bản ĐTM mới nhất về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, bà Đào Thị Việt Nga, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước thuộc VRN, cho rằng nó không khác là mấy so với ĐTM đưa ra vào tháng 4-2013.
Theo bà Nga, ĐTM mới nhất né tránh, không làm rõ tác động từ hàng ngàn công nhân vào thi công thủy điện, làm đường trong 4 năm; việc hồ chứa dao động mức nước vài mét/ngày tạo ra sóng bào mòn 2 bên bờ hồ... “Tất cả những góp ý của VRN vẫn chưa được ĐTM làm rõ” - bà Nga nhận định.
TS Đào Trọng Tứ, thành viên Hội đồng Thẩm định ĐTM thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cho biết cho đến nay, VRN vẫn bảo lưu quan điểm là dừng việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. “Tôi không đồng ý với ý kiến rừng mà Đồng Nai 6 và 6A “ăn” vào còn gì đâu mà phải giữ. Đó là nhận xét phiến diện!”- ông Tứ quả quyết.
Không có lãi nhưng vẫn cố làm TS Đào Trọng Tứ cho rằng biến đổi khí hậu có thể gây chuyện 100 năm sau nhưng thủy điện có thể tác hại đến môi trường, thiên nhiên và đời sống người dân ngay từ khi xây dựng. Do vậy, về hiệu quả kinh tế từ thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, các địa phương rất “sợ” vì điện bán không ai mua, giá trị đóng góp không lớn, còn môi trường thì lãnh đủ. Theo bà Đào Thị Việt Nga, với khả năng hoạt động không thường xuyên của thủy điện thì rõ ràng dự án không có hiệu quả kinh tế. Vậy mà Đức Long Gia Lai vẫn cố làm bằng được thì rất khó hiểu. “Đã đến lúc cần có đánh giá tổng thể, cặn kẽ về được và mất của thủy điện một cách nghiêm túc” - bà Nga kiến nghị. |
ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI NÊN DỪNG VIỆC TRIỂN KHAI DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6&6A, Thứ nhất là vấn đề môi trường : Không phủ nhận đóng góp tích cực của thủy điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông, các dự án thủy điện đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực. Đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A, các nhà khoa học, dư luận xã hội báo chí đã phản ánh rất nhiều không đồng tình, do vậy không thể phát triển thủy điện bằng mọi giá. Thứ hai là vấn đề năng lực tài chính của chủ đầu tư : Chủ đầu tư của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A là Tập đoàn Đức Long- Gia Lai. Được biết cuối năm 2010, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14, đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông và đoạn đường Quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước đến giáp ranh với tỉnh Đăk Nông đều do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch, đến nay không tiếp tục triển khai thi công khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Tuy nhiên, chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư , tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ cấp 3 đồng bằng thành cấp 3 miền núi, từ 21 m xuống 12 m mặt đường với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi động lại dự án bằng việc đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu. Thế nhưng, sau một thời gian thi công theo kiểu cầm chừng, đến tháng 5/2012, đã có 8/10 gói thầu chính thức ngưng hẳn hoạt động. Các chủ thầu quyết “đình công”, chấp nhận lãng phí nhân công, để không máy móc vì chủ đầu tư không thanh toán khối lượng theo cam kết. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành (Đắk Lắk) đã thi công khối lượng khoảng 4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được Tập đoàn Đức Long thanh toán kinh phí theo cam kết. Theo các nhà thầu thì khi ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư đã thống nhất nếu khối lượng thi công đạt từ 2-3 tỷ đồng thì sẽ thanh toán 70% giá trị. Vậy mà sau khi thi công đủ và vượt hạn mức, các đơn vị thi công yêu cầu thanh toán khối lượng thì chủ đầu tư lại nhiều lần cố tình tránh né, không thanh toán. Nếu năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư như vậy, liệu có đủ khả năng nguồn lực tài chính để triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A thực hiện đúng như cam kết không? MINH TRÍ