Không thể bên trọng, bên khinh

Thứ ba - 03/11/2015 04:40 741 0
Hai vấn đế lớn của quốc gia đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là đề xuất cho phép doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xóa nợ thuế trước khi cổ phần hóa và bỏ án tử hình đối với tội tham ô tài sản, hối lộ.
 

Tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế vừa báo cáo trước Quốc hội, có điều khoản đề nghị xóa nợ thuế cho DNNN đang tiến hành cổ phần hóa. Đề xuất này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía, của hàng loạt DN dân doanh vì nó thể hiện rõ sự không công bằng.

Đối với DN dân doanh, một đồng tiền thuế cũng phải đóng đủ, thậm chí bị phạt nếu chậm nộp thì không lý gì lại ưu ái cho DNNN. Nguy hiểm hơn, việc xóa nợ có thể tạo ra sự chây ì đối với nhiều DNNN chưa nộp thuế, làm ăn trì trệ. Đó là chưa kể trong một số trường hợp, những khoản lỗ, thất thoát của DNNN xuất phát từ việc điều hành kém hoặc cố ý làm trái để tư lợi sẽ bị lợi dụng để được hợp pháp hóa xóa nợ.

Ngay tuần vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2015 do không cân đối được ngân sách. Trong lúc tiền lương của người lao động không được tăng, ngân sách bị thắt chặt đến độ Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các tập đoàn kinh tế thoái vốn ngoài ngành thì việc xóa nợ nêu trên khó được chấp nhận.

Trong khi đó, dù gây ra rất nhiều tranh luận nhưng tại lần tiếp thu, chỉnh lý mới nhất, dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vẫn bảo lưu đề xuất bỏ án tử hình đối với tội tham ô tài sản và hối lộ. Nếu việc bỏ án tử đối với 7 tội danh trong dự thảo và cả trường hợp người phạm tội trên 75 tuổi nhận được sự đồng tình cao của các tầng lớp nhân dân thì gần như phần đông ý kiến không ủng hộ áp dụng chính sách nhân đạo đối với 2 tội danh tham ô tài sản và hối lộ.

Từ nghị trường đến ngoài xã hội, nhiều người cho rằng không thể dùng tiền để “mua” tội. Theo lý, một khi phạm tội thì buộc phải bị xử lý, còn việc bỏ tiền khắc phục hậu quả là biện pháp xử phạt bổ sung theo luật định, chứ không thể xem đây là tình tiết đặc biệt để xem xét giảm án, như quan điểm của ban soạn thảo. Ngay cả việc chủ động khai báo hay tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc điều tra mở rộng vụ án cũng được xem là trách nhiệm phải thi hành. Đành rằng thời gian qua, ngoài vài trường hợp như Lã Thị Kim Oanh, Dương Chí Dũng thì rất ít trường hợp tham ô tài sản, hối lộ bị tuyên án tử hình nhưng không thể vì lý do nào khác mà thay đổi khung hình phạt, nhất là đối với tham ô tài sản và hối lộ - 2 tội nghiêm trọng nhất của tham nhũng.

Bất kỳ một quốc gia nào cũng phải xây dựng nền hành chính thích ứng với thể chế chính trị lấy pháp trị làm đầu để thực thi quyền lực nhằm phục vụ nhân dân. Đã là luật thì phải thượng tôn, áp dụng chứ không nên vận dụng để đưa ra những chính sách, quy định cho một nhóm đối tượng nào đó gây bất bình đẳng xã hội, làm giảm quyền lực nhà nước và ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

DUY QUỐC

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,331
  • Tổng lượt truy cập41,235,932
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây