Tiến sĩ William Choong, - chuyên gia cao cấp của Đối thoại Shangri-La về An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, ASEAN rất cố gắng đối phó với “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, nhưng không có chiến lược điều phối để xử lý tranh chấp. Ông Choong dẫn lời một cựu Tổng thư ký ASEAN ví von đại ý rằng, “mọi người nói ASEAN ở vị trí người cầm lái, nhưng lái xe không biết đi đâu”. Học giả này nhấn mạnh, Trung Quốc từ trước đến nay sử dụng chiến thuật “tằm ăn dâu”, hành động dần dần. Ông lấy dẫn chứng, năm 1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1988 Trung Quốc tiếp tục chiếm đảo Gạc Ma, và thời gian gần đây là xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo. “Hành động của Trung Quốc diễn ra trong cả thời gian dài, nhưng phản ứng của ASEAN thì không tương ứng. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước đang đứng trong bối cảnh nguy hiểm” - ông Choong nói.

Tiến sĩ Choong nhận xét, có 2 yếu tố chính ảnh hưởng đến dự báo sáng sủa về quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Thứ nhất, các tranh chấp ở Biển Đông cho thấy rõ ràng rằng, “sự tấn công quyến rũ” của Trung Quốc với ASEAN dù có làm thế nào cũng không thực hiện được nếu các thành viên ASEAN vẫn lo lắng cách Trung Quốc xử lý quan hệ với các nước yếu. Thứ hai, do Trung Quốc tranh giành với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ về ảnh hưởng với ASEAN, nên sự tự do triển khai quân đội của ASEAN trở nên ngày càng hạn chế.

Nhìn nhận về vai trò của ASEAN, ông Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao), cho rằng, trong bối cảnh kiến trúc khu vực đang nổi lên nhưng cũng thay đổi nhanh chóng, ASEAN đối mặt rủi ro mất vai trò trung tâm, do sự khủng hoảng về lãnh đạo và không có nước “đầu đàn”. “ASEAN mất phương hướng trong quan hệ với nước lớn, không biết nên ưu tiên quan hệ với nước nào. Cải cách cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Chúng ta có những thành viên mạnh, nên cần có nỗ lực điều phối tốt hơn và phải nhìn vượt ra ngoài khuôn khổ ASEAN” - ông Thái nói.

Sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN cũng là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên. PGS-TS Nguyễn Duy Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, lưu ý, việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên cách tiếp cận song phương trong vấn đề tranh chấp để hưởng lợi riêng đã gây chia rẽ sâu sắc trong ASEAN, và đây cũng là mối đe doạ đối với sự phát triển lâu dài của ASEAN. Còn giáo sư Renato Cruz De Castro lý giải nguyên nhân ASEAN giảm đi vai trò của mình là vì “ASEAN không giải quyết mà chỉ quản lý các tranh chấp”. Ông nhận xét, ASEAN nỗ lực lôi kéo Trung Quốc vào hệ thống tham vấn ngoại giao với mục tiêu cuối là giảm nhẹ tranh chấp hiện tại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cản trở các thành viên ASEAN và thành công trong việc phân chia vùng ngoại vi, và quả thực đã làm suy yếu ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực.

Cần một cơ chế hiệu quả

Mặc dù có những hạn chế như nhiều đại biểu đã nêu ở trên, song PGS-TS Phạm Quang Minh - Hiệu phó Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng, không có nước nào, dù là Mỹ hay Trung Quốc, có thể thay thế được vai trò của ASEAN trong khu vực. Đồng quan điểm đó, PGS-TS Nguyễn Duy Dũng dẫn chứng, để phối hợp giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, ASEAN đã thực hiện nhiều hình thức hợp tác cụ thể ở cấp độ đa phương, ra nhiều tuyên bố ASEAN về Biển Đông. Ông Dũng cho rằng, để giải quyết vấn đề Biển Đông, không phải các quốc gia ASEAN phải trở thành cường quốc quân sự, hay thúc đẩy quan hệ với Mỹ, và về cơ bản cần phải có một cơ chế ASEAN để lôi kéo Trung Quốc, thuyết phục nước này tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách nước lớn với khu vực - một thách thức lớn với vị trí trung tâm của ASEAN.

GS-TS Oba Mie (Đại học Khoa học Tự nhiên Tokyo) cũng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Bà cho rằng, không phải ASEAN không làm được gì và lúc nào cũng im lặng...

 

(Fox) Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang huấn luyện phi công khủng bố ở Libya. Chúng đã có được ít nhất một mô hình mô phỏng huấn luyện phi công và một số máy bay nhỏ chiếm được sau khi lật đổ Tổng thống Libya Gaddafi. Các chuyên gia an ninh Mỹ cho rằng, chỉ cần thiết bị huấn luyện cơ bản như vậy là đủ trang bị kỹ năng bay cơ bản cho những kẻ cực đoan, khiến chúng có khả năng tiến hành các vụ tấn công khủng bố như vụ 11.9.2001 ở Mỹ.

(BBC) Cảnh sát Anh coi vụ tấn công bằng dao của một người đàn ông ở ga tàu điện ngầm London Leytonstone hôm 4.12 là khủng bố. Tay dao này đã đâm bị thương 3 người trước khi bị cảnh sát khống chế. Cảnh sát cho rằng, mối đe dọa khủng bố ở Anh là rất nghiêm trọng. Một nhân chứng kể, tay dao, khi bị bắt, đã nói rằng hành động của hắn là để trả đũa các vụ không kích ở Syria. Anh mới quyết định mở rộng tấn công IS từ Iraq sang Syria hồi tuần trước.

(RT) Cháy lớn bùng phát tại một dàn khoan dầu ngoài khơi Azerbaijan trên biển Caspian. Công ty khoan dầu cho biết, một người chết và 32 người được sơ tán kịp thời, song vẫn còn 30 người mất tích. Reuters dẫn nguồn độc lập cho biết có 30 người chết. Nguyên nhân cháy được cho là gió lớn làm hỏng các đường ống dẫn dầu.

(AP) Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ làm ngơ việc buôn lậu dầu từ các vùng lãnh thổ ở Syria do IS kiểm soát vào Thổ Nhĩ Kỳ. “Khi các quan chức Mỹ nói họ không thấy dầu của khủng bố được buôn lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ thế nào, rõ ràng có mùi muốn che giấu những hành động này” - tuyên bố trên FB của Bộ Quốc phòng Nga viết. Nga cũng gợi ý rằng Washington nên xem các băng video do chính máy bay không người lái của Mỹ quay. Trước đó quan chức Mỹ nói rằng số dầu buôn lậu không đáng kể cả về khối lượng dầu lẫn khối lượng thu nhập.

(AP) Cựu đảng viên ở Trung Quốc bị truy nã vì tham nhũng đã tự nguyện ra đầu thú. Bà Huang Yurong - cựu bí thư đảng bộ cơ quan phát triển đường cao tốc tỉnh Hà Nam - đã trở về nước ngày 5.12 sau 13 năm sống ở Mỹ. Bà này bị cáo buộc biển thủ công quỹ và nhận hối lộ khi còn đương chức, và xếp thứ 4 trong danh sách 100 kẻ bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua, đã bị thông báo với Interpol. Chồng bà là cựu giám đốc sở giao thông tỉnh Hà Nam, cũng đã bị kết án chung thân năm 2005 vì tham nhũng. V.N