Ông Nguyễn Xuân Hồng: Khoai tây nhiễm độc của Trung Quốc vẫn an toàn
Ngay sau khi đăng bài “Khoa tây độc: Phải chấp nhận”, Báo Người Lao Động nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ thái độ bất bình trước phát biểu của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT, khi cho rằng dù dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép 16 lần nhưng khoai tây Trung Quốc vẫn an toàn.
Ông Hồng khẳng định “Mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa ra, nó rất an toàn... không phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn”. Ông giải thích thêm: “... Hằng ngày, 1 thanh niên 18 tuổi phải ăn 3.000 cây xà lách hoặc 1 cô gái phải ăn 354 quả táo. Khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn như thế thì nó mới ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Khoai tây Trung Quốc bán tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: Khắc Lịch
Bạn đọc có nick culi phản đối: “Ông trả lời với dư luận gì mà kỳ vậy? Ông chấp nhận nhưng những người mẹ, những người cha không thể "chấp nhận" cho con cái mình ăn những thứ độc phẩm như vậy được. Không có một quốc gia nào chấp nhận cho dân tộc mình ăn đồ độc”. Bạn đọc có nick Râu rầu bất bình: “Không ngờ Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lại có thể phát biểu những câu mà tôi đọc xong cảm thấy bị khinh thường như thể một người lớn đang dỗ dành em bé quấy khóc vì bố mẹ nó thất hứa không mua quà”.
Đối với bất kỳ ai và bất kỳ loài vật nào, chất độc không thể ngửi, hít, chứ chưa nói là ăn vào. Do vậy, ở riêng 26 tấn khoai tây Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thực vật cao gấp 1 lần cho phép mà ông Hồng nói vẫn an toàn thì không một ai chấp nhận được.
“Nghe ông cục trưởng phát biểu thấy rầu quá, sức khỏe người dân đang bị xem thường” - bạn đọc Thanh nói. Bạn đọc Hữu Châu thì nói: “Với cách lập luận của ông Nguyễn Xuân Hồng thì người tiêu dùng nên tự cứu mình thôi”.
Táo Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hiếu
Đây không phải lần đầu tiên ông Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng phát biểu gây sốc mà theo bạn đọc là quá vô cảm trước người dân.
Còn nhớ ở vụ táo Trung Quốc nhiễm độc, trên Báo Người Lao Động số ra ngày 22-6-2012, ông Nguyễn Xuân Hồng cũng khẳng định: Chất độc trong táo Trung Quốc ở ngưỡng an toàn. Dẫn kết quả phân tích 40 mẫu táo Trung Quốc có chứa hóa chất độc hại thiram với hàm lượng 0,08 ppm, trong đó 15 mẫu có hóa chất aren ở mức từ 0,02 - 0,11 ppm, ông Hồng khẳng định chất độc thấp hơn ngưỡng cho phép và trong ngưỡng an toàn khi sử dụng.
Ngay sau tuyên bố này, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến phản đối kịch liệt. Bạn đọc cho rằng chất độc vẫn là chất độc và khi đã là chất độc thì không có ngưỡng, chỉ thấy nguy hại cho sức khỏe.
Không tin vào kết quả kiểm tra cũng như thất vọng trước cách làm, cách nói của quan chức đầu ngành, người dân chỉ còn biết tự cứu lấy mình trước mối nguy rau củ quả, hàng hóa nhiễm đọc từ bên ngoài tràn vào. “Mong mọi người hãy tỉnh táo khi sử dụng tất cả các loại hàng hóa khi nó có trên thị trường” - bạn đọc Phan Thị Kim Oanh đưa ra lời khuyên.
Hãy sáng suốt lựa chọn “Dư lượng dưới mức cho phép, vậy thì ai cho phép? Sao Cục Bảo vệ thực vật không công bố bằng văn bản cho rõ ràng? Những dư lượng đó khi ăn vào có được đào thải ra ngoài hay không? Hay là chúng sẽ tích tụ lại trong cơ thể, đến một ngày nào đó khi đã phát hiện ra thì quá muộn?... Chúng ta là những người tiêu dùng, hãy sáng suốt lựa chọn cho mình những thực phẩm an toàn hơn” bạn đọc Hai Thời Sự |
BỘ NÔNG NGHIỆP CẦN CÓ BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI KHOAI TÂY NHIỄM ĐỘC CỦA TRUNG QUỐC. Trong lãnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Ở Việt nam các bộ ngành chức năng ít quan tâm đến sức khỏe của người dân, cụ thể các sản phẩm nông nghiệp người nông dân sản xuất ra, trước khi đưa vào thị trường không có cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra độ an toàn của thực phẩm tươi sống như rau, quả, củ, đậu, thịt các loại vv…người nông dân cứ mang ra chợ là bán. Đến khi phát hiện có người bị ngộ độc thức ăn thực phẩm thì chỉ còn biết đưa vào bệnh viện để điều trị. Hiện nay việc quy định chức năng các bộ ngành chưa thật cụ thể, Bộ nào sẽ chịu trách nhiệm chính. Thực tế hiện nay qua tìm hiểu các thực phẩm trong quá trình sản xuất thì trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, đưa vào thị trường trách nhiệm của Bộ công thương (quản lý thị trường), đến khâu chế biến thực phẩm (các quán ăn, nhà hàng…) thì trách nhiệm của Bộ y tế, khi sự việc xảy ra ngộ độc thực phẩm không Bộ nào chịu trách nhiệm cả.