Làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc giảm chỉ số PCI

Thứ tư - 25/05/2016 00:46 644 0
Mới đây, UBND tỉnh đã có Thông báo số 47/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến ngày 9/5/2016, với việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2016.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị công, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch-Đầu tư phải làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc giảm chỉ số PCI.

Sở dĩ vấn đề cải thiện, nâng cao chỉ số PCI lại được tỉnh đặt ra, xem là một nhiệm vụ trọng tâm cũng xuất phát từ việc năm 2015, PCI của Đắk Nông lại tiếp tục tụt thêm 6 bậc, xếp ở vị trí cuối bảng (63/63 tỉnh, thành), từ nhóm tương đối thấp xuống nhóm thấp.

Không chỉ tụt giảm về thứ bậc mà tỉnh đang còn phải chứng kiến 9/10 chỉ số thành phần cấu thành PCI đều tụt giảm về điểm số. Có ý kiến cho rằng, với thực tế năm 2015 cho thấy, Đắk Nông đang ngày một “đuối sức” so với các tỉnh, thành trong cuộc đua PCI.

Trên diễn đàn chung, chỉ số PCI chính là “tấm gương” phản ánh năng lực chỉ đạo, điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của từng địa phương, tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Thế nhưng, một điều đáng buồn, là PCI của tỉnh trong những năm qua luôn trồi sụt thất thường.

Nếu như năm 2007, PCI của Đắk Nông đứng thứ áp chót với vị trí 63/64 thì đến năm 2012, thứ hạng này đã được cải thiện lên vị trí 48/63 tỉnh, thành. Vậy rồi, đến năm 2013, thứ hạng trên đã tụt xuống 2 bậc, xếp vị trí 50/63 và năm 2014 lại tiếp tục tụt sâu 7 bậc với vị trí 57/63 tỉnh, thành; còn năm 2015 thì như trên.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, điều hành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI theo hướng khả quan hơn. Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm, khi triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh luôn xác định là toàn tỉnh cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Với mục tiêu đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Các cấp, các ngành phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư vào tỉnh hoặc đã được  tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.

Vậy mà, những nỗ lực nói trên của tỉnh cũng chưa thực sự cải thiện được một cách rõ rệt thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số PCI hàng năm. Rõ ràng, qua việc xếp hạng chỉ số PCI năm 2015, một lần nữa cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh vẫn còn bị hạn chế, vướng mắc ở đâu đó mà tỉnh, các ngành chức năng vẫn chưa thấy hết được để khắc phục một cách hiệu quả.

Rõ ràng, việc tiếp tục điều tra, nghiên cứu, tìm ra những lĩnh vực nào, khâu nào còn những yếu kém, hạn chế nhất để mà sửa chữa, khắc phục, góp phần cải thiện chỉ số PCI vẫn đang là vấn đề thách thức không nhỏ đối với tỉnh.

Tuy nhiên, với việc yêu cầu cần phải làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc giảm chỉ số PCI của năm 2015 cho thấy, tỉnh vẫn khẳng định quyết tâm tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để phá vỡ những “lực cản” vô hình về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thật sự trong sạch, thông thoáng, xây dựng lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Thông báo số 47, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí lịch, định kỳ hàng tuần, hàng tháng để lãnh đạo UBND tỉnh làm việc trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sở KH-ĐT làm đầu mối tổng hợp, chuẩn bị nội dung và định kỳ hàng tuần báo cáo, đề xuất phương án giải quyết. Các sở, ban ngành, địa phương trong 5 ngày làm việc, từ khi nhận được yêu cầu giải quyết cho doanh nghiệp (được tổng hợp, gửi qua hộp thư công vụ của đơn vị) thì phải có ý kiến phản hồi bằng văn bản về Sở KH-ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Tường Mạnh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,942
  • Tháng hiện tại45,698
  • Tổng lượt truy cập41,226,299
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây