Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: Còn nhiều sai phạm, hạn chế trong quá trình triển khai

Thứ bảy - 19/04/2014 23:17 1.453 0
Dù công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian gần đây đã từng bước được nâng lên nhưng trên thực tế, lĩnh vực này vẫn còn để xảy ra nhiều sai phạm, hạn chế và cần phải được sớm chấn chỉnh.

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng đầu tư cơ bản mới đây, nhiều ý kiến của các cơ quan, địa phương đều cho rằng, tỉnh cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý để chấn chỉnh những sai phạm, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Triển khai xây dựng bờ đập Cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa

Theo thống kê của Sở Xây dựng thì trong năm 2013 và quý I/2014, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành thẩm định 57 công trình, với tổng dự toán tư vấn lập là hơn 317 tỷ đồng. Kết quả thẩm tra cho thấy, kinh phí xây dựng đã giảm được gần 28 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã kiểm tra đột xuất Dự án cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa và đã đề nghị chủ đầu tư cắt giảm gần 30 tỷ đồng của 31 gói thầu đã được phê duyệt. Sai phạm ở dự án này chủ yếu liên quan đến công tác điều phối đất và cự ly vận chuyển.

Công trình hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tâm Thắng cũng cắt giảm 12 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư tính sai định mức chi phí dự phòng.

Qua thẩm tra còn cho thấy, chất lượng thiết kế còn nhiều hạn chế. Việc khảo sát địa chất, địa hình, thông tin quy hoạch, thông số đấu nối cao độ, hạ tầng, ranh giới ngoài dự án với công trình lân cận, thiếu nhiệm vụ thiết kế, áp dụng số liệu tài liệu công trình khác, tỉnh khác, các giải pháp thiết kế kỹ thuật chưa tối ưu…

Ngoài ra, công tác lập dự toán còn nhiều thiếu sót, áp dụng không đúng định mức chi phí xây dựng, đơn giá vật liệu xây dựng cao hơn giá thị trường, có loại vật tư thiết bị tính 2 lần thuế giá trị gia tăng.

Cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng thì chất lượng các dự án do đơn vị tư vấn lập còn nhiều hạn chế, sai sót, chưa phù hợp phải điều chỉnh nhiều lần.Việc áp dụng công nghệ, cơ giới hóa trong thi công chưa đồng bộ, các quy trình kỹ thuật bị giảm bớt đã làm suy giảm chất lượng công trình.

Qua kiểm tra 26 công trình thì tất cả đều bị thấm dột, rêu mốc tường. Các công trình giao thông còn thiếu sót trong công tác kiểm soát lu đầm móng đường, đầu tư hệ thống thoát nước không đồng bộ, nhiều đoạn có chiều cao đào đắp lớn gây sạt lở nên sau một thời gian đưa vào vận hành đã bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà như Tỉnh lộ 4, Quốc lộ 28.  

Bên cạnh đó, công tác thẩm tra quyết toán là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nên đòi hỏi bộ phận làm việc này phải nắm rõ các quy định về chính sách, đơn mức, đơn giá, chế độ trong từng thời kỳ để áp dụng cho phù hợp với từng dự án cụ thể.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ thực tế hiện nay chưa đáp ứng được khối lượng yêu cầu của công việc đề ra. Thực tế, trong năm 2013 và quý I/2014, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán 707 dự án, với tổng giá trị đề nghị quyết toán là hơn 1.360 tỷ đồng, Sở Tài chính và các huyện, thị cũng đã loại trừ ra các khoản chi sai chưa phù hợp hơn 33 tỷ đồng.

Các dự án có sự sai phạm lớn như công trình đập thủy lợi bon Đắk Bulum, xã Quảng Trực (Tuy Đức) chi sai gần 1,9 tỷ đồng, hệ thống trạm bơm điện xã Buôn Choáh (Krông Nô) chi sai hơn 1,8 tỷ đồng, Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) hơn 1,1 tỷ đồng, đường giao thông từ ngã 3 bon Bu Dưng đến Trường Giáo dưỡng số 5 của xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) 978 triệu đồng…

Cũng theo Sở Tài chính thì qua thực tế triển khai, công tác quyết toán của dự án cũng còn một số khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ. Theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác, sử dụng, tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán, điều chỉnh dự toán công trình trên cơ sở tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thế nhưng, do năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế nên việc điều chỉnh còn chưa phù hợp với quy định. Ở các ban quản lý dự án từ tỉnh cho đến huyện, thị, việc xác định trách nhiệm cụ thể và tổ chức bộ phận chuyên môn hóa để thực hiện công tác quyết toán dự án đã hoàn thành vẫn chưa được chú trọng.

Không chỉ có các sai phạm, hạn chế, việc chậm trả lại các khoản tạm ứng trong nhiều năm qua cũng đã gây không ít khó khăn cho công tác bố trí vốn ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh thì các đơn vị đã tạm ứng ngân sách từ năm 2010 trở về trước đến nay vẫn chưa thu hồi là hơn 29 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc báo cáo tình hình lãi tiền gửi ngân hàng của các khoản tạm ứng giải phóng mặt bằng của các ban quản lý dự án thực hiện không nghiêm túc theo quy định của tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tư, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh thì trước những sai phạm, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị liên quan nhằm giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí.

Bài, ảnh: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay878
  • Tháng hiện tại69,588
  • Tổng lượt truy cập41,353,788
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây