Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra với hành vi man rợ, gây rúng động dư luận xã hội mà phần lớn hung thủ là những người trẻ.
Liên tiếp gây thảm án
Khoảng 15 giờ ngày 11-8, tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chỉ vì một lý do nhỏ mà Nguyễn Văn Tuấn (SN 1972) đã mang dao bầu đến nhà chị Bùi Thị Huế (em vợ), đâm chết chị này. Thấy con gái bị sát hại, bà Nguyễn Thị Tỉnh (mẹ vợ Tuấn) từ trong nhà chạy ra tri hô cũng bị đâm chết.
Trước đó, ngày 9-8, một vụ thảm án nghiêm trọng gây hoang mang xã hội được phát hiện tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Hung thủ đã giết 4 người trong gia đình anh Tẩn Ông Nải (SN 1994), trong đó có một bé gái 28 ngày tuổi. Sau khi sát hại 4 người, hung thủ còn đặt bẫy bằng súng kíp trong bếp nhằm giết nốt những người còn lại trong gia đình này.
Công an tỉnh Lào Cai xác định nghi can là Tẩn Láo Lở (SN 1992, ngụ cùng địa phương với các nạn nhân). Lở có vợ và 2 con, lười lao động, tính tình vũ phu. Ba năm trước, Lở từng xông vào nhà Nải, định giở trò đồi bại với vợ anh nhưng không thành.
Trong khi đó, do mâu thuẫn cá nhân, một đối tượng ở tỉnh Hà Nam mua súng và thuê người truy sát giám đốc một doanh nghiệp với giá 500 triệu đồng. Một người đàn bà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê giang hồ bắn chết nhân tình chỉ bởi việc gây gổ hằng ngày. Bị ngăn phá rừng, cả trăm người lăm lăm mã tấu, dao, rựa truy đuổi, bao vây và chém chết cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Lâm Đồng….
Điều đáng lưu ý là đa số kẻ chủ mưu gây nên những vụ thảm sát này đều có hiểu biết, hung thủ trực tiếp khá trẻ.
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết tỉ lệ rối loạn tâm thần của người Việt Nam ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do áp lực công việc ngày càng lớn, sự gia tăng cách biệt giàu - nghèo, bất bình đẳng khiến mâu thuẫn xã hội gia tăng, tiêu thụ rượu bia lớn khiến nhiều người loạn thần... Cùng với đó, nhu cầu hưởng thụ gia tăng khiến nhiều người bất chấp đạo đức, pháp luật để kiếm tiền. Nhiều người dễ “nổi điên” khi cuộc sống phải ganh đua, ghen tị, oán hận… Khi không kiềm chế nổi tức giận, họ sẵn sàng phạm tội ác tày trời để xả giận hoặc đoạt cái họ thích.
Theo bác sĩ Cương, ngoài những oán hận tồn tích, bột phát thành tội ác, chất “xúc tác” nguy hại nhất khiến bạo lực ngày càng nghiêm trọng chính làma túy đá. Đây là dạng ma túy khó phát hiện vì không có các hội chứng vật vã, lên cơn thèm như các dạng ma túy khác. Giới trẻ thường thích dùng ma túy đá để tăng kích thích, hưng phấn trong các dịp tụ tập, quậy phá. Khi không có ma túy đá, họ thấy buồn bực, ỉu xìu. Đáng lo ngại là nhiều thanh niên khi nhập viện được phát hiện dính tới 4-5 loại ma túy khác nhau.
“Ở trạng thái loạn thần, ảo giác, người sử dụng ma túy đá có thể nhìn thấy những điều kinh khủng mà người thường không thấy. Họ sẽ tiêu diệt những điều đó bằng cách sát thương chính mình hoặc những người xung quanh” - bác sĩ Cương lý giải.
Không quan tâm đến việc trả giá
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Điều trị tâm thần phân liệt - Viện Tâm thần quốc gia, cho rằng cần có những biện pháp ngăn chặn việc sử dụng chất amphetamin (ma túy đá tổng hợp) bởi chất này có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng cho người sử dụng. Do vậy chúng còn được gọi là “các chất loạn thần”, “ma túy điên”, “ma túy bạo lực”.
Thực tế, rất nhiều vụ đối tượng “ngáo đá” gây ra những vụ án đau lòng. Bạo lực ở người nghiện ma túy đá xảy ra trong trạng thái phê ma túy, mất kiểm soát hành vi của mình.
Bạo lực cũng xảy ra trong trạng thái loạn thần do sự chi phối của hoang tưởng bị đe dọa tính mạng nên tấn công trở lại. Nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhìn nhận áp lực xã hội đang tác động rất mạnh đến cảm xúc, hành vi con người. Xã hội hiện đại sẽ xuất hiện nhiều đối tượng rơi vào trạng thái kích động mạnh do hoàn cảnh sống quá khó khăn, rủi ro thiên tai, thất nghiệp, nghèo đói. Những người thường sống trong môi trường bạo lực khi lớn lên sẽ càng trở nên hận thù, bạo lực hơn, thích dùng “nắm đấm” để giải quyết các mâu thuẫn xã hội mà không quan tâm đến việc phải trả giá.
Vượt khỏi các chuẩn mực
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, xã hội càng phát triển, con người càng cần được quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Bởi lẽ, khi sức khỏe tâm thần của một con người ngày càng sa sút thì hành vi sẽ bị biến đổi, vượt khỏi các chuẩn mực đạo đức, luật pháp. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy trong một cuộc đời mỗi người ít nhất một lần xuất hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần mà bản thân không nhận biết được.
Nguồn tin: NLĐ Online