Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ngày 20-5 đã tổ chức diễn đàn khoa học đánh giá kết quả một năm thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học.
Giáo viên quá tải, học sinh thiếu động lực
Mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét HS, đánh giá về Thông tư 30, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng cách đánh giá HS theo thông tư này còn nhiều bất cập cần phải sửa đổi.
Theo ông Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), tinh thần của Thông tư 30 là đúng, cần ủng hộ nhưng cần có những điều chỉnh phù hợp. Việc phải ghi chép quá nhiều sổ sách khiến giáo viên bị quá tải vì mất rất nhiều thời gian ghi nhận xét cho HS, khó khăn hơn nhiều so với việc chấm điểm. Trong khi đó, việc bỏ chấm điểm khiến HS lười đi, thiếu động lực, thiếu sự cố gắng vì không bị áp lực điểm số. Cha mẹ HS cũng ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hằng ngày họ không biết kết quả học tập của con ra sao.
Bà Đinh Mai Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội, cũng có chung quan điểm với ông Dinh khi cho rằng việc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên sẽ khiến phụ huynh, HS rất khó theo dõi, hình dung kết quả học tập, quá trình rèn luyện, phát triển cả phẩm chất và năng lực của HS; còn giáo viên thì quá tải vì cùng một lúc phải ghi nhận xét vào vở HS, trao đổi với gia đình bằng sổ tay liên lạc hay phiếu/thư nhận xét, ghi sổ theo dõi chất lượng giáo dục…
Giáo viên âm nhạc của một trường tiểu học đóng tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay trung bình mỗi tuần giáo viên này lên lớp 28 giờ, nhận xét cho khoảng 700 HS trên 28 cuốn sổ. Nói như thế để thấy việc nhận xét chỉ có thể qua loa đại khái chứ không thể nào thực chất được. Giáo viên nhiều khi còn chẳng nhớ hết mặt HS.
Trên thực tế, chuyện tháng nào cũng phải viết nhận xét khiến giáo viên nhiều khi chỉ có thời gian để đổi chữ chứ không sáng tạo thêm được gì nhiều. Đặc biệt, giáo viên các môn mỹ thuật, âm nhạc cứ vào mỗi cuối năm sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” vì ghi chép quá nhiều. Trong khi đó ở Thông tư 32 trước đây, giáo viên bộ môn nhẹ nhàng hơn nhiều bởi Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tiêu chí chứng cứ và chỉ cần tích đánh giá là xong.
Phải định lượng trong việc đánh giá
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận Thông tư 30 có nhiều điểm cần phải sửa. Vấn đề là sửa như thế nào cho hợp lý thì cần phải nghiên cứu. Chỉ khi bắt tay vào làm mới thấy được khó khăn và mới có kinh nghiệm để cải thiện tình hình dần dần.
Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh Thông tư 30 để tránh tình trạng suy giảm, mất động lực học tập. “Cần phải thay đổi Thông tư 30, trước hết là phải có định lượng trong việc đánh giá” - ông Hào nói. Cô Đỗ Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (Hà Nội), cũng cho rằng cần phải định lượng trong việc đánh giá bởi nếu chỉ nhận xét đạt, chưa đạt thì chưa hợp lý. “Tâm sinh lý HS tiểu học chưa đủ phát triển để hiểu việc hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ khác nhau chỗ nào. Nhưng nếu các em nhìn vào điểm số 7 và 10 thì rõ ràng là biết thua kém bạn như thế nào để cố gắng hơn” - cô Loan nói.
Còn theo ông Đặng Ngọc Dinh, cần thay đổi Thông tư 30 bằng việc kết hợp đánh giá định lượng theo thang độ A, B, C, nhất quán từ đánh giá thường xuyên đến đánh giá định kỳ với kết quả học tập. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá kết quả theo các mức độ A, B, C phải được quy định rõ ràng, cụ thể đối với từng môn học.
Ông Dinh nhấn mạnh để khắc phục những hạn chế của Thông tư 30, Bộ GD-ĐT cần tổ chức, nghiên cứu nghiêm túc thực trạng thực hiện thông tư này với mẫu khảo sát đủ lớn, không nên chỉ dựa vào báo cáo của các phòng, sở GD-ĐT.
Bộ vẫn còn… tính toán!
Trước đóng góp của các giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng điểm số là chất lượng đo lường, là cung cấp tư liệu cho đánh giá. Tuy nhiên, chỉ dựa vào điểm số cũng không được và cũng không thể coi thường việc đánh giá bằng nhận xét. Vì thế, cần phải tính sao cho hợp lý.
Nguồn tin: NLĐ Online