Mạnh tay xử nhà thầu yếu kém

Thứ tư - 18/06/2014 02:33 990 0
Dù Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt xử lý 2 nhà thầu yếu kém trong thi công Quốc lộ 14 nhưng nhiều nhà thầu khác vẫn tiếp tục đình công vì mâu thuẫn với nhà đầu tư

Liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước (Quốc lộ 14), ngày 17-6, ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đức Phú do vi phạm trong quá trình thi công đoạn Km 917+00 - 921+025 thuộc gói thầu số 9 (Cây Chanh - Cầu 38, tỉnh Bình Phước).

Thi công đối phó

BQL dự án đường Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình thi công gói thầu số 9 (theo nguồn trái phiếu Chính phủ), Công ty Đức Phú đã có nhiều sai phạm như: huy động nhân sự, thiết bị không đúng, không đủ theo hồ sơ đề xuất; không có chỉ huy trưởng, chỉ có chỉ huy phó và 2 cán bộ kỹ thuật nhưng kiêm nhiệm cả dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) Cầu 38 - Đồng Xoài; thiết bị ở công trường chỉ có 2 xe lu; công tác bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường thực hiện không nghiêm túc, nhiều lần BQL dự án đường Hồ Chí Minh phải huy động đơn vị khác đến bảo đảm an toàn giao thông.

Đặc biệt, bình thường nhà thầu này không tổ chức thi công nhưng khi đoàn kiểm tra đến thì lại huy động máy móc từ dự án BOT sang làm cầm chừng, mang tính chất đối phó... Do vậy, đến đầu tháng 6-2014, sản lượng chỉ đạt khoảng 400 triệu đồng, tương đương 1,6% giá trị hợp đồng và chỉ đạt 16% tiến độ đã cam kết.

Nhiều gói thầu trên Quốc lộ 14 chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến giao thông qua khu vực này
Nhiều gói thầu trên Quốc lộ 14 chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến giao thông qua khu vực này

Theo ông Minh, BQL dự án đường Hồ Chí Minh đã gửi hàng chục văn bản đôn đốc, cảnh báo nhưng nhà thầu vẫn không chịu thi công. Trước tình hình này, Bộ GTVT đã quyết định chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đức Phú, đồng thời giao cho BQL dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương lựa chọn nhà thầu thay thế có đủ tư cách pháp nhân, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và tiến độ dự án.

“Ngoài nhà thầu trên, BQL đang đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý một số nhà thầu thi công chậm tiến độ trên Quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Bình Phước nhằm bảo đảm tiến độ chung của dự án” - ông Minh khẳng định.

Mâu thuẫn triền miên

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, được Chính phủ và Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đối với đoạn qua Tây Nguyên, việc lựa chọn nhà thầu,nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Không ít nhà thầu yếu năng lực vẫn trúng thầu, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Mặc dù một số gói thầu triển khai từ giai đoạn 2010-2011 đến nay chưa xong nhưng gần đây, công ty này vẫn liên tiếp trúng nhiều gói thầu khác. Trước đó, qua giám sát các gói thầu do doanh nghiệp này thi công, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT nhiều lần phát hiện chất liệu đá, quy trình thi công không đúng quy định.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc BQL dự án đường Hồ Chí Minh, khẳng định không có sự ưu ái mà do doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí nhà đầu tư yêu cầu nên không có lý do gì để loại họ.

Để bảo đảm tiến độ chung cho dự án, gần đây, Bộ GTVT đã mạnh tay chấm dứt hợp đồng, cắt bớt khối lượng công việc của những nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém. Tuy nhiên, tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” giữa nhà đầu tư và nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công công trình ì ạch vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tại gói dự án theo hình thức BOT đoạn qua tỉnh Đắk Lắk do liên danh Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A làm nhà đầu tư cũng đang xảy ra tranh chấp. Các nhà thầu cho rằng nhà đầu tư đã không minh bạch về tài chính, không thanh toán đúng thời gian thỏa thuận, tạm giữ tiền của các nhà thầu vô lý... Do đó, các nhà thầu đồng loạt đình công hơn nửa tháng nay, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Ngày 9-6, Bộ GTVT đã có công điện khẩn yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương giải quyết vướng mắc với nhà thầu để đồng loạt thi công trước ngày 10-6. Nếu nhà đầu tư không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng và lựa chọn nhà đầu tư khác thay thế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến chiều 17-6, phần lớn các nhà thầu vẫn đình công. “Do nhà đầu tư mới giải trình nên chúng tôi đang chuẩn bị làm việc với Bộ GTVT và nhà đầu tư rồi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng” - ông Huấn cho biết.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6

Văn phòng Chính phủ ngày 16-6 đã ban hành văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 12 địa phương khẩn trương chỉ đạo và giải quyết dứt điểm các tồn tại, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30-6.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tổng hợp kết quả công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 6-2014.

A.Nhiên

 

Điều tra việc doanh nghiệp tố “bôi trơn” hàng tỉ đồng

Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng - Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Hà Nội) vừa tố cáo để được thi công tại gói thầu số 9 (đoạn qua tỉnh Đắk Lắk), doanh nghiệp này đã phải chi cho Công ty CP Sông Hồng 36 thuộc Tổng Công ty Sông Hồng 1,7 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Tài Đức, Phó Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, cho biết sáng 17-6, ông đã làm việc với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an về việc này. Tại buổi làm việc, Công ty Tân Việt Bắc đã cung cấp toàn bộ bằng chứng chứng minh lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 đã nhận số tiền 1,7 tỉ đồng.

Trước đó, Công ty CP Sông Hồng 36 cũng đã có văn bản xác nhận “Công ty Tân Việt Bắc tạm ứng trước 1,5 tỉ đồng cho Công ty CP Sông Hồng 36 để phục vụ công tác chuẩn bị triển khai dự án”.

 

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
Ý kiến bạn đọc

  • MINH TRI
    4Thích  
    18/06/2014 09:32

     

    CẦN SỚM CHẤN CHỈNH CÁC NHÀ ĐẦU TƯ BOT ĐƯỜNG QUỐC LỘ 14 Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ chí Minh ( quốc lộ 14) đi ngang qua địa bàn tỉnh Đăk nông do Tập đoàn Đức long làm chủ đầu tư, không vướng mắc gì việc giải phóng mặt bằng, đã tiến hành khởi công hơn 4 năm nay nhưng tiến độ thi rất chậm không biết khi nào hoàn thành đưa vào sử dụng . Cụ thể cuối năm 2010 đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Theo quy hoạch giao thông ban đầu được Thủ tướng chính phủ phê duyệt là 4 làn xe cho phương tiện xe ô tô, tuy nhiên chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ 21 m xuống 12 m mặt đường chỉ còn 2 làn xe cho phương tiện xe ô tô với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến nay việc triển khai thi công theo kiểu cầm chừng khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác, không biết dự án công trình biết bao giờ mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Với năng lực tài chính như vậy nhưng Bộ giao thông vận tải vẫn tiếp tục giao một số đoạn đường khác làm chủ đầu tư, cụ thể : Sáng 9.6.2013, Bộ GTVT và Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn TP.Pleiku - cầu 110 (giáp tỉnh Đắk Lắk) dài gần 60 km. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỉ đồng, do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng bào các dân tộc tây nguyên rất vui mừng, tuy nhiên qua theo dõi rất lo lắng đơn vị Tập đoàn đức long Gia lai làm chủ đầu tư không biết dự án khởi công không biết lúc nào sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Nếu năng lực tài chính và uy tín của các chủ đầu tư như Tập đoàn Đức long Gia lai như vậy, liệu có đủ khả năng nguồn lực tài chính để triển khai dự án nâng cấp mở rộng tuyến quốc lộ 14 đúng như cam kết không? Qua tìm hiểu thực chất các nhà đầu tư BOT dự án quốc lộ 14 đều không có năng tài chính chủ yếu nhờ các ngân hàng thương mại đứng ra bảo lãnh, nếu khối lượng thi công đến đâu thì tùy thuộc các ngân hàng giải ngân, nếu họ không đồng ý thanh toán đành chịu. Là công trình đầu tư bằng hình thức BOT được Bộ giao thông vận tải cho phép thu phí từ người dân để hoàn trả tiền vay của ngân hàng có thời gian nhất định ( phí chồng phí vì người dân đã nộp phí bảo trì đường bộ cho ngân sách nhà nước ), do vậy các chủ đầu tư đầu tư càng ít kinh phí càng tốt để mau thu hồi vốn và có lãi, do vậy mới có tình trạng nhà đầu tư BOT đề nghị thay đổi quy hoạch, đầu tư từ 4 làn xe ô tô thành 2 làn xe ô tô để giảm kinh phí đầu tư; điều đó chỉ có lợi cho các nhà đầu tư theo hình thức BOT; dự kiến những năm đến các phương tiện tham gia lưu thông sẽ phát triển, do vậy cần phải nâng cấp mở rộng đường từ 2 làn xe lên 4 làn xe ô tô, suy đến cùng đây là sự lãng phí cho xã hội vừa mới đầu tư xây dựng lại tiếp tục đầu tư xây dựng mới. Trước đây Bộ GTVT đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước như nguồn trái phiếu chính phủ, đi qua các trung tâm thị trấn thị tứ thuộc các huyện, thị xã, thành phố đều được đầu tư hệ thống chiếu sáng, có giải phân cách giữa trồng cây xanh, vỉa hè, lề đường cho người đi bộ, nhưng đầu tư theo hình thức BOT thì Bộ giao thông vận tải lại không cho đầu tư các hạng mục trên, cụ thể như đi qua khu vực thị trấn Eatling, huyện lỵ Cư jút, tỉnh Đăk nông, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư các hạng mục trên nhưng không được chấp nhận. Rõ ràng nếu bỏ các hạng mục trên sẽ không đảm bảo cho an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại vào ban đêm, nhất là qua khu đô thị, khu dân cư đông đúc. Hiện nay dự án đường quốc lộ 14 đang triển khai, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư BOT sớm khắc phục những tồn tại tiêu cực đã xãy ra trong thời gian vừa qua, đồng thời đây nhanh tiến độ sớm đưa dự án nâng cấp Quốc lộ 14 hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ người dân ở các tỉnh tây nguyên. MINH TRÍ


Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay1,883
  • Tháng hiện tại49,381
  • Tổng lượt truy cập41,229,982
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây