Xin dẫn nguyên văn báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng phá rừng tăng cao trong thời gian qua đó là thông tin sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh theo đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ đã làm tư tưởng, tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số đơn vị chủ rừng dao động theo hướng tiêu cực, không yên tâm công tác, thậm chí buông lỏng công tác bảo vệ rừng.
Rừng tại tiểu khu 1705 của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Gia Nghĩa bị người dân chặt phá để lấy đất sản xuất. Ảnh: S.V |
Quả thật, khi nghe thông tin này, cánh báo chí không khỏi ngạc nhiên vì thấy hơi… lạ. Lạ là vì lâu nay, khi nói đến chuyện mất rừng thì ngành chức năng thường hay đề cập đến các nguyên nhân khách quan như: dân di cư tự do đổ vào phá rừng để lấy đất sản xuất; nhu cầu đất ở, đất sản xuất tăng cao gây sức ép đến rừng; “lâm tặc” bất chấp kỷ cương phép nước tàn phá rừng để mưu lợi bất chính; hoặc cùng lắm là chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương, đơn vị chủ rừng còn lơ là, buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng... Còn bây giờ, ngành Lâm nghiệp lại đang đề cập đến một nguyên nhân dẫn đến mất rừng xem ra hoàn toàn mới, nên ngạc nhiên là phải.
Có thể nói, việc tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp nhà nước nào đó, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức có những suy nghĩ này nọ là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, với cách đánh giá và đưa ra nhận định về nguyên nhân dẫn đến mất rừng như trên xem ra không ổn chút nào. Bởi vì, thử hỏi trong suốt bao nhiêu năm qua, khi chưa thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các công ty lâm nghiệp có “yên tâm công tác, không dao động” hay không mà bao nhiêu cánh rừng vẫn ngày ngày “đội nón ra đi” với diện tích vô cùng lớn, gây bao hậu quả khôn lường cho môi trường, xã hội. Rõ ràng, với cách nhận định nói trên, xem ra chủ trương tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp của Nhà nước là đang “có lỗi”, vì góp một phần “rất quan trọng” dẫn đến tình trạng phá rừng ngày càng thêm diễn biến phức tạp (?).
Trước thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp đang ngày càng kém hiệu quả, công tác quản lý, bảo vệ rừng bị buông lỏng, dẫn đến để mất rừng nhiều thì việc tái cơ cấu, sắp xếp lại là điều cần thiết. Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014 - 2020 do UBND tỉnh ban hành cũng có đề cập đến việc cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Qua thống kê, trong số 22 doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thì đã cổ phần hóa 3 doanh nghiệp; sắp xếp 100% vốn nhà nước 2 doanh nghiệp; tái cơ cấu 1 doanh nghiệp đã cổ phần hóa; còn lại 16 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp lại. Thực tế, do nhiều nguyên nhân, việc tổ chức sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu chung. Vì vậy, về phía ngành lâm nghiệp cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sớm triển khai sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp theo chủ trương chung.
Tuy nhiên, dù có chậm đi chăng nữa, nhưng với trách nhiệm của mình, ngành Lâm nghiệp cũng không nên đưa ra nhận định, đánh giá theo kiểu “đổ lỗi” như vậy được, không khéo sẽ dẫn đến hiện tượng “té nước theo mưa”. Vì vậy, điều quan trọng nhất lúc này là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhất là chủ động thông tin, định hướng dư luận để cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Lâm nghiệp hiểu rõ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, trong đó có ngành Lâm nghiệp.
Tường Mạnh
Nguồn tin: Báo Đăk Nông