Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ ngày 1-7-2016, phần thi sát hạch lái xe (SHLX) ô tô trên đường trường sẽ được sử dụng các thiết bị cảm ứng chấm điểm tự động thay vì thủ công. Như vậy, cho đến thời điểm này, tất cả các bài thi thực hành SHLX đã được chấm bằng thiết bị cảm ứng.
Giảm tỉ lệ đậu, tăng chất lượng
Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và SHLX Củ Chi, Hiệu phó Trường Dạy lái xe Tiến Bộ - cho biết theo yêu cầu của Bộ GTVT, từ ngày 1-7, tất cả các cơ sở đào tạo SHLX phải gắn thêm thiết bị cảm ứng để chấm thi phần thi sát hạch đường trường. Riêng trường ông đã bỏ ra 12 tỉ đồng để mua sắm xe và thiết bị phục vụ học viên. Cho đến thời điểm này, tất cả các xe sát hạch đều đã được gắn thiết bị đúng chuẩn. Ngoài ra, để học viên có thể vượt qua phần thi sát hạch, trường cũng đã tăng cường đội ngũ giáo viên giảng dạy.
Theo ông Dũng, để vượt qua các bài thi đòi hỏi học viên phải thật sự thuần thục các thao tác, xử lý tình huống một cách chính xác, nếu không máy sẽ tự động trừ điểm. “Do chấm tự động bằng máy nên tất cả thí sinh đều phải trải qua các bài thi và hết quãng đường quy định” - ông Dũng nói.
Đại diện Trung tâm Đào tạo và SHLX Thành Công cho biết đã sắm thêm 4 xe mới và các thiết bị với số tiền khoảng gần 4 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu của học viên. “Hiện nay, các trung tâm bỏ ra một khoản tiền khá lớn nhưng học phí không tăng nên cũng gặp khó khăn” - vị này nêu.
Học viên thi sát hạch lái xe trên đường
Theo đại diện một số trung tâm đào tạo và SHLX trên địa bàn TP HCM thì trước đây, khi chưa áp dụng chấm tự động phần thi sát hạch đường trường, tỉ lệ đậu chiếm khoảng 90%. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng chấm tự động, tỉ lệ đậu còn khoảng 70%, có nơi chỉ đạt 60%. Đại diện Trung tâm Đào tạo và SHLX Hoàng Gia cho biết do đã chuẩn bị từ trước, đơn vị này đầu tư đầy đủ trang thiết bị và phương tiện nên hiện riêng về phần thi sát hạch đường trường, chỉ rớt khoảng 2% đến 5%. Trước đây, mỗi ngày có thể có đến 200 học viên dự thi thì giờ chỉ còn khoảng 150 vì thời gian sát hạch dài hơn, nhiều bài thi hơn. “Số học viên đăng ký cũng giảm đáng kể vì phần thi khó hơn nhưng chất lượng được nâng cao rõ rệt” - giám đốc một trung tâm đào tạo SHLX cho biết.
Trước đó, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT năm 2015 của Bộ GTVT quy định từ ngày 1-4-2016, toàn bộ học viên học và thi SHLX ô tô hạng B2 sẽ phải thi 11 bài (trước đây là 10 bài). Trong đó, bài thi bổ sung thứ 11 là bài ghép xe ngang, toàn bộ 11 bài thi sát hạch bằng B2 sẽ kéo dài từ 15 phút lên 18 phút. Tuy nhiên, tổng điểm sát hạch để đỗ vẫn giữ nguyên là 80. Theo một số trung tâm đào tạo và SHLX, để đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT, các trung tâm đã bỏ hàng tỉ đồng mua sắm thiết bị, trong khi học phí không tăng. Vì vậy, các trung tâm đào tạo và SHLX đã cho học viên thuê xe chạy ngoài giờ với giá 300.000 đồng/giờ.
Không thể can thiệp
Theo quy định, trên xe sát hạch luôn có 3 camera quan sát người thi, giám sát hành trình và toàn cảnh buồng lái, tất cả đều được truyền về máy chủ nên rất khách quan. “So với trước đây, việc các học viên thi sát hạch có thể được châm chước vì phần thi đường trường do sát hạch viên tự chấm. Hiện nay, tất cả đều bằng máy, còn sát hạch viên chỉ ngồi trên xe để ra lệnh, bảo hiểm tay lái cho học viên. Trong trường hợp học viên không tự tin hoặc quá yếu thì sát hạch viên mới truất quyền thi” - ông Nguyễn Anh Dũng cho biết. Do đó, các trung tâm đào tạo và SHLX phải dạy đúng thực chất, đúng giờ quy định và tăng cường thực hành thì may ra học viên mới vượt qua được các bài thi.
Đại diện Trung tâm Đào tạo và SHLX của Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 3 cho rằng việc SHLX bằng hệ thống tự động đã nâng cao chất lượng đào tạo, không còn cảnh chấm có phần thiên về “cảm hứng” như trước. Việc này đã làm giảm tỉ lệ đậu nhưng chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ được nâng cao. Theo ông Lương Duyên Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước đây, việc SHLX trên đường do sát hạch viên trực tiếp chấm điểm có camera theo dõi giám sát. Từ ngày 1-7, hình thức thi mới được áp dụng nhằm tăng cường công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình SHLX.
Ông Võ Trọng Nhân - Trưởng Phòng Sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe, Sở GTVT TP HCM - cho biết đến nay, tất cả các trung tâm SHLX trên địa bàn đã sử dụng hệ thống tự động để chấm SHLX, tỉ lệ đậu đạt khoảng 71%. Thời gian đầu, một số trung tâm đào tạo SHLX do chưa quen với thiết bị nên có một số lỗi nhỏ. Dù vậy, sau một thời gian ngắn khắc phục, hệ thống đã hoạt động hoàn chỉnh. Sau một thời gian áp dụng, học viên đã dần quen với thiết bị nên tỉ lệ đậu đã được nâng lên đáng kể.
“Việc chấm bằng cảm ứng tự động hứa hẹn sẽ kiểm tra được khả năng lái của học viên chính xác hơn, hạn chế sự can thiệp của sát hạch viên vào quá trình thi, bảo đảm tính khách quan” - ông Nhân nhận xét.
Phát hiện 710 giấy phép lái xe giả
Ông Võ Trọng Nhân cho biết chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng Sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe đã phát hiện và tịch thu 710 giấy phép lái xe giả, trong đó 8 trường hợp hạng FC (lái xe đầu kéo); 11 trường hợp hạng E, D; số còn lại hầu hết là hạng A1 (xe máy).
“Sau khi bị phát hiện, các chủ nhân đều không quay lại nhận bằng nên rất khó xử lý” - ông Nhân nói.
Nguồn tin: NLĐ Online