Tờ The Hindu (Ấn Độ) ngày 18.7 dẫn lại thông tin từ websitemil.huanqui.com (Trung Quốc) cho biết hai tàu hậu cần 20.000 tấn đã được đưa vào hoạt động tại một quân cảng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
“Hai tàu hậu cần này có thể tiếp tế cho các tàu chiến đang hoạt động xa bờ. Động thái này cho thấy Trung Quốc muốn duy trì sự hiện hiện của hải quân nước này (trên Biển Đông)", theo The Hindu.
Website trên cho hay Không quân Trung Quốc cũng đã đăng tải một bức ảnh cho thấy máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K bay qua bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm từ tay Philippines vào năm 2012 trên Biển Đông. Bức ảnh này đăng trên Weibo ngày 14.7, hai ngày sau khi Toà trọng tài quốc tế ra phán quyết vụ kiện Biển Đông.
Máy bay ném bom H-6K, có thể mang theo vũ khí hạt nhân, được thiết kế nhằm đối phó các nhóm tàu sân bay Mỹ. H-6K là phiên bản Trung Quốc của máy bay ném bom chiến lược hai động cơ Tupolev Tu-16 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960, theo chuyên san
The Diplomat. Chiếc H-6K lần đầu tiên bay vào năm 2007, và từ đó đã trải qua nhiều lần nâng cấp. H-6K có tầm bay tối đa 3.000 km; và có thể tăng lên gần 5.000 km nếu được tiếp nhiên liệu trên không hai lần. Hiện Không quân Trung Quốc có 36 máy bay loại này.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc hồi tháng 5.2016 đã phát sóng loạt phóng sự, trong đó có cảnh máy bay H-6K bay qua đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở
quần đảo Trường Sa. Giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể quân sự hóa bãi cạn Scarborough, xây đảo nhân tạo và đường băng tại đây, theo
The Hindu.
Truyền thông Trung Quốc ngày 15.7 còn đưa tin Bắc Kinh có thể xây 20 trạm phát điện hạt nhân di động để cung cấp điện cho những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Trung Quốc đã phản đối phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) hôm 12.7 về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. Theo phán quyết của PCA, Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông, không có cơ sở pháp lý cho cái gọi là “đường lưỡi bò” hay "đường chín đoạn" chiếm trọn gần cả Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã giận dữ phản ứng trước việc các nước phương Tây và Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết, theo Reuters.
Phúc Duy