Tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi đang được áp dụng rộng rãi với các loại bệnh nhưng với những bệnh lý về tim thì chỉ là bước khởi đầu. Phương pháp này không chỉ cứu sống người bệnh, giúp hồi phục nhanh chóng mà còn tránh được một cuộc đại phẫu và giữ nét thẩm mỹ tại vết mổ.
Từ “mổ” không còn đáng sợ
Cách đây 1 năm, bà Lê Thị H. (66 tuổi, ngụ TP HCM) đang khỏe mạnh bỗng dưng tức ngực, khó thở và ho nhiều. Khi bà đến Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược (TP HCM) khám, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bị hở van tim 3 lá và cho thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, sau một thời gian, bệnh bà trở nặng, BS xác định phải phẫu thuật.
“Khi nghe đến từ “mổ”, tôi sợ lắm, đất trời như sụp đổ. Trái tim con người là thứ quý nhất, phẫu thuật lỡ có gì là chết luôn” - bà H. nhớ lại. Nhưng khi được các BS giải thích về phương pháp mổ tim mới (gọi là phẫu thuật nội soi ít xâm lấn), bà cảm thấy an tâm và chấp nhận ngay. “Một tuần sau ca phẫu thuật, tôi cảm thấy tình trạng sức khỏe trở lại bình thường” - bà cho biết.
Cách đây vài tháng, ông P.Q - 43 tuổi, ngụ TP HCM, một doanh nhân thường đi công tác nước ngoài - khi phát hiện mình mắc bệnh tim đã suy sụp nặng nề, sự nghiệp tưởng chừng chấm hết. Nỗi buồn lại tăng lên khi các BS thông báo phải mổ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi được tư vấn về phương pháp phẫu thuật mới, ông cảm thấy yên tâm và bằng lòng mổ ngay.
Trong cuộc phẫu thuật sau đó, các BS đã nội soi sửa khuyết tật tim hở van cho ông Q. và ông đã sớm xuất viện trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình phục. Mới đây, gặp lại các thầy thuốc đã cứu mình, người đàn ông tuổi trung niên đã rơi nước mắt vì “họ đã mang lại cho tôi cuộc sống mới sau một ca mổ không đáng sợ như tôi vẫn nghĩ”.
TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐH Y Dược, cho biết phẫu thuật nội soi không còn xa lạ trong y khoa nhưng ứng dụng trong chuyên ngành phẫu thuật tim là một phương pháp mới, tiên tiến. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh vì tránh được vết mổ lớn, sức khỏe mau hồi phục, thời gian nằm viện không dài… Với cuộc mổ hở, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng như nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững... Đến nay, BV này đã thực hiện 100 ca phẫu thuật tim bằng nội soi và sức khỏe tất cả bệnh nhân đều rất tốt, không để lại biến chứng nào. Trong đó, bệnh nhân nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi và lớn nhất là 75 tuổi.
Mở ra triển vọng mới
Theo PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh, cố vấn Ban Giám đốc BV ĐH Y Dược, phương pháp mổ tim hở kinh điển phải cưa hết xương ức của bệnh nhân để mở đôi lồng ngực. Với mổ tim nội soi, chỉ cần rạch lỗ một đường bên, không phải cắt xương.
“Mổ tim theo phương pháp thông thường, người bệnh phải mất 3 tháng để trở lại làm việc với hiệu suất như trước đó. Với kỹ thuật nội soi, họ chỉ mất 2 tuần để sinh hoạt bình thường và chưa đến một tháng thì trở lại công việc hằng ngày” - BS Tuấn Anh so sánh.
Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Định, tại Việt Nam, phương pháp phẫu thuật tim nội soi chưa được phổ biến, chỉ mới có 3 cơ sở triển khai thực hiện là BV ĐH Y Dược, Bệnh viện E Trung ương và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trong đó, ở phía Nam, BV ĐH Y Dược là trung tâm duy nhất thực hiện.
Hiện có rất nhiều bệnh lý về tim mạch. Ngoài các khuyết tật tim bẩm sinh phức tạp đòi hỏi phải mổ hở, các bệnh lý có thể được giải quyết tốt bằng phẫu thuật nội soi như: sửa hoặc thay van 2 lá, sửa van 3 lá, thay van động mạch chủ và sửa chữa một số bệnh lý tim bẩm sinh... Lâu nay, khi chưa có phương pháp nội soi, các trường hợp nêu trên buộc phải mổ hở.
Dù vậy, BS Định cũng lưu ý không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng mổ nội soi. Theo ông, mổ tim nội soi có những bất tiện so với phương pháp kinh điển, chẳng hạn: thời gian sử dụng máy tim phổi nhân tạo và ngưng tim kéo dài hơn, cần trang bị máy nội soi và những dụng cụ chuyên biệt, phẫu thuật viên và ê-kíp mổ cần được đào tạo chuyên sâu. Vì vậy, trước khi quyết định chọn lựa phương pháp nào, BS cần xem xét và đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra chỉ định phù hợp.
“Trong thời gian tới, với sự phát triển của ngành phẫu thuật tim mạch, tin rằng nhiều bệnh lý về tim khác sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi, vừa giảm nhanh gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng vừa tiết kiệm công sức, tiền bạc của người bệnh” - BS Định hy vọng.
Ứng dụng rộng rãi ở nước ngoài
Theo thống kê, tại Đức, 65% trường hợp phẫu thuật van 2 lá được thực hiện qua nội soi. Tỉ lệ này tại Nhật là 60%. Tại Mỹ, nhiều trung tâm có tỉ lệ mổ van 2 lá và van động mạch chủ qua nội soi hoặc phương pháp ít xâm lấn lên đến 80%. Dự báo trong tương lai gần, phẫu thuật tim nội soi sẽ là phương pháp tiêu chuẩn để điều trị các bệnh tim phức tạp.
Nguồn tin: NLĐ Online