Ảnh minh họa - nguồn internet. |
Đây là nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã đề ra để khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản. Nắm bắt được nhiệm vụ đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung. Sau 5 năm tiến hành, đến nay việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước (NSNN) theo phương thức tập trung đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nâng cao hiệu quả hoạt động mua sắm công
Sau gần 5 năm triển khai thí điểm, việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động mua sắm công.
Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung mặc dù mới được thí điểm thực hiện nhưng đã tỏ ra hết sức hiệu quả trong việc tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách nhà nước. Tổng hợp báo cáo trong 5 năm thực hiện thí điểm từ các Bộ, ngành và địa phương theo số dự toán và số thực tế mua sắm thì số tiền chênh lệch này là hơn 467 tỷ đồng (năm 2008 là 66,6 tỷ đồng; năm 2009 là 109,3 tỷ đồng; năm 2010 là 21,2 tỷ đồng; năm 2011 là 266,5 tỷ đồng và 06 tháng đầu năm 2012 là 5,3 tỷ đồng). Kết quả này mới chỉ dừng ở con số 23 Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm; việc mua sắm này góp phần chống lãng phí hiệu quả.
Mặc dù vậy, hiệu quả của mua sắm tập trung sẽ không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi mà còn được thể hiện ở chất lượng hàng hóa đầu vào tốt, giá thống nhất, tương đồng về kỹ thuật; đảm bảo công khai, minh bạch. Việc mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc nhà nước, Y tế, Giáo dục.
Như vậy, nếu việc mua sắm tập trung được mở rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước và mở rộng cả đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải mua sắm tập trung thì số chênh lệch này được chắc chắn sẽ cao hơn nhiều, chứ không dừng lại ở con số 467 tỷ đồng.
Tại các Bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tập trung không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định hoặc trang bị tài sản tràn lan, không hiệu quả do khi xây dựng kế hoạch mua sắm tập trung, các cơ quan quản lý đã rà soát kỹ lưỡng hiện trạng, nhu cầu trang bị tài sản của các cơ quan, đơn vị, đối chiếu với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản. Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, đúng pháp luật.
Đổi mới quan niệm về mua sắm tập trung
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước đang được đặt ra, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế mua sắm tập trung và mở rộng phạm vi áp dụng là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay.
Theo lãnh đạo Cục Quảnh lý công sản (Bộ Tài chính), để đảm bảo việc tổ chức thực hiện mua sắm tập trung ở Việt Nam trong thời gian tới, trước hết phải đổi mới về quan niệm mua sắm tập trung.
Theo đó, mua sắm tập trung không phải là tập trung việc mua sắm tài sản, dịch vụ vào một đầu mối sau đó cấp phát cho các đơn vị sử dụng mà mua sắm công tập trung, trước hết là tạo ra một thiết chế để tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan Chính phủ đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; trên cơ sở đó lựa chọn các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có chất lượng và giá cả hợp lý nhất làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp được lựa chọn; cơ quan mua sắm tập trung cũng là cơ quan tư vấn, hỗ trợ, có vai trò cụ thể hóa các quy định của Nhà nước vào việc mua sắm đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ để cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện được thuận lợi, dễ dàng.
Việc cơ quan mua sắm tập trung trực tiếp thực hiện việc mua sắm chỉ áp dụng với một số ít hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, mua sắm công tập trung là hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý chi tiêu công và quản lý tài sản nhà nước, đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm theo đúng quy định của Nhà nước, tiết kiệm, hiệu quả.
Xuất phát từ thực tiễn triển khai mua sắm công theo phương thức tập trung thời gian vừa qua, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công phương thức này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất quy định thống nhất danh mục chủng loại tài sản mua sắm tập trung được áp dụng trong cả nước, gồm các tài sản cơ bản được sử dụng phổ biến tại các đơn vị. Đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp đã được lựa chọn. Từ đó, sẽ giảm được thời gian, nhân lực, chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện việc mua sắm tập trung theo quy định và cả đối với cơ quan được giao thực hiện.
Tạo mô hình tổ chức chuyên nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Đề án hình thành Trung tâm dịch vụ mua, bán tài sản công để thực hiện dịch vụ đấu thầu mua sắm công, đấu giá khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản công.
Theo đó, Trung tâm sẽ cung cấp các dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trong đó có hai nhóm nhiệm vụ chính theo Nghị quyết số 21/NQ-CP là: Tổ chức thực hiện mua sắm công tập trung và Thực hiện đấu giá công khai khi bán, thanh lý, giao, cho thuê tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
(T.H)
Nguồn tin: eFinance Online