“Chúng tôi đã theo dõi vụ phóng tên lửa. Chúng tôi đã thấy nó đi vào không gian và trở về, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Nếu đó là ý định của họ (Triều Tiên), thì đó là vụ phóng thử thành công” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis phát biểu trước báo chí.
Ông Davis nói thêm: “Theo quan điểm của chúng tôi, chuyện này nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc để bảo đảm bảo có thể làm việc đầy đủ với nhau, ứng phó mọi loại tên lửa, không chỉ là tên lửa tầm trung như lần này mà cả những tên lửa có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ”. Tiếp đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến những phòng vệ như radar TPY-2 ở Nhật Bản, các hệ thống tên lửa đánh chặn đặt trên mặt đất ở Alaska và Hawaii, lá chắn tên lửa THAAD tại Guam.
Ngày 22-6, Triều Tiên phóng một tên lửa Musudan từ khu vực gần thành phố Wosan và bay được 400 km. Ảnh: AP
Hãng tin Yonhap nhận định đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra xác nhận về kết quả của một vụ phóng tên lửa do Triều Tiên thực hiện. Trước đó, một ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa tầm trung Musudan, loại tên lửa được tin là có khả năng tấn công tới lãnh thổ Guam của Mỹ, Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã phóng thành công tên lửa này. Triều Tiên khi đó loan báo tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan đã đi vào không gian, sau đó trở về khí quyển thành công và rơi xuống biển.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được xem là bước tiến quan trọng trong chương trình tên lửa của Triều Tiên vì công nghệ hồi quyển (trở về khí quyển trái đất) là một trong những rào cản thách thức nhất mà Bình Nhưỡng phải vượt qua nếu muốn phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Hơn nữa, vụ phóng thử tên lửa này là nỗ lực thử nghiệm lần thứ sáu của Triều Tiên trong khoảng 2 tháng qua, kể từ ngày 15-4. Những lần trước đều thất bại, tên lửa nổ tung trong không trung, trên bệ phóng di động vài giây sau khi khởi động.
Nguồn tin: NLĐ Online