|
Danh sách các biện pháp đối phó được soạn ra sau khi các đồng minh châu Á của Mỹ bày tỏ sự hoài nghi đối với các cam kết về nghĩa vụ an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama dành cho khu vực, đặc biệt là sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, nguồn tin của Wall Street Journal cho biết.
Nhiều quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á đã nói với các quan chức Mỹ rằng vụ việc ở Crimea được xem như là một phép thử cho các biện pháp mà Washington sẽ triển khai nếu Bắc Kinh có mưu đồ dùng sức mạnh của mình để làm điều tương tự tại biển Đông hoặc biển Hoa Đông, theo lời các quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal.
Các biện pháp nói trên được vạch ra bởi Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ trong vài tháng gần đây. Washington đã lên kế hoạch về các biện pháp này sau khi Trung Quốc gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế hồi năm 2013 bằng việc đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới ở biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với phía Nhật.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các đối sách đã được soạn ra nhằm đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào trong khu vực của Trung Quốc và cả CHDCND Triều Tiên. Gần đây các đối sách này đã được điều chỉnh cứng rắn hơn, quan chức Mỹ tiết lộ.
Phát ngôn viên Chris Sims của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, ngoài các chuyến bay B-2 và các cuộc tập trận bằng tàu sân bay, Mỹ sẽ còn thực hiện các biện pháp đáp trả khác nhằm thể hiện sức mạnh của Mỹ, chẳng hạn như tăng cường các hoạt động trinh sát gần lãnh thổ Trung Quốc và gia tăng các chuyến thăm cảng đồng minh của tàu hải quân Mỹ.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Obama đã từ chối bình luận về các biện pháp quân sự của Mỹ tại châu Á, nhưng có nói rằng những hành động đơn phương của Bắc Kinh, đơn cử là tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, “có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hiện diện của quân đội chúng tôi” trong khu vực.
Nguồn tin của Wall Street Journal cho hay các biện pháp quân sự mà Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã vạch ra sẽ đặc biệt được sử dụng để đối phó với các trường hợp cụ thể, chẳng hạn như những vụ đụng độ trên biển.
Theo đó, bất kỳ động thái sắp tới nào của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực đều sẽ vấp phải sự can thiệp quân sự của Mỹ, nguồn tin từ chính phủ Mỹ nói với Wall Street Journal.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang chuẩn bị tăng cường điều động quân đội đến các khu vực đang có tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và biển Hoa Đông nhằm thách thức một cách trực tiếp hơn đối với các tuyên bố khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguồn tin từ chính phủ Mỹ cũng cho biết thêm rằng tất cả các đối sách nói trên đều chừa ra một cơ hội để đối phương giảm căng thẳng.
“Đừng bao giờ dồn kẻ thù vào chân tường vì bạn có thể sẽ phải hứng chịu một sự phản kháng mà bạn không hề mong muốn”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Wall Street Journal.
Một số quan chức đã nghỉ hưu và cả đang còn đương nhiệm của Mỹ khẳng định với Wall Street Journal rằng trong số các đối sách dùng để đối phó với các hành động khiêu khích của Trung Quốc còn có việc gia tăng các chuyến bay trinh sát và gửi tàu sân bay vào các vùng biển đang có tranh chấp nằm gần bờ biển Trung Quốc, chẳng hạn như Eo biển Đài Loan.
Mặc dù Hải quân Mỹ vẫn ngầm cử các chiến hạm đi ngang Eo biển Đài Loan, nhưng việc gửi một tàu sân bay đi ngang qua đây sẽ khiến căng thẳng leo thang đáng kể, các quan chức này nhận xét.
Wall Street Journal cho biết các quan chức Mỹ đã từng cảnh cáo riêng với các quan chức Trung Quốc trong những lần gặp gỡ gần đây, gồm cả trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 2, rằng Washington sẽ không đồng ý với hành động đơn phương tuyên bố lập thêm vùng phòng không mới hoặc khẳng định thêm chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông của Bắc Kinh.
Nhưng trong chuyến thăm của ông Kerry, các lãnh đạo Trung Quốc được cho là đã nói với phái đoàn Mỹ rằng họ không coi trọng các cảnh báo từ phía Mỹ.
Hoàng Uy
Nguồn tin: Thanhnien