Nỗ lực của Washington được xúc tiến trong bối cảnh Trung Quốc và Đài Loan phản ứng mạnh với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện của Philippines, đồng thời lần lượt điều máy bay, tàu chiến đến Biển Đông, khiến tình hình khu vực càng thêm căng thẳng.
Sứ mệnh hòa bình
Giới chức Mỹ đã tỏ rõ mong muốn ngăn chặn những động thái cực đoan liên quan đến phán quyết ngày 12.7. “Những gì chúng tôi muốn là làm mọi thứ lắng xuống để những vấn đề này có thể được giải quyết theo lý trí chứ không phải theo cảm tính”, Reuters hôm qua 14.7 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Thông điệp ngoại giao này được Mỹ gửi đi thông qua các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài và các phái bộ nước ngoài ở Washington D.C. Một số thông điệp do đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Ngoại trưởng John Kerry và các quan chức ngoại giao cấp cao khác của Mỹ truyền đạt. “Đây là một lời kêu gọi kiềm chế, chứ không phải nỗ lực tập hợp các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc, bởi điều đó sẽ bị hiểu sai là Mỹ đang dẫn đầu một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc”, quan chức Mỹ khẳng định.
Việc Trung Quốc liên tục điều máy bay đến các sân bay do nước này xây dựng phi pháp trên các thực thể Vành Khăn, Xu Bi, và việc Đài Loan điều tàu chiến đến Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của VN đang đặt ra thách thức lớn đối với nỗ lực của Mỹ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ hy vọng sáng kiến ngoại giao của nước này sẽ thành công hơn tại Philippines và Indonesia, quốc gia có ý định đưa thêm tàu chiến, chiến đấu cơ, tên lửa, lực lượng đặc nhiệm cùng hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna nhằm khẳng định chủ quyền đối với vùng biển xung quanh.
Đây cũng là tinh thần được nêu ra trong cuộc họp báo qua điện thoại của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đa phương của Vụ Đông Á - Thái Bình Dương Colin Willet với các phóng viên ở khu vực ngày 14.7. Quan chức Mỹ này kêu gọi các bên kiềm chế thực hiện những hành vi khiêu khích, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực. “Chúng tôi muốn họ làm rõ các yêu sách của mình theo luật biển và hướng tới việc tìm kiếm một công thức có thể chấp nhận được cho việc hòa giải các khác biệt một cách hòa bình”, bà Willet nói.
Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Mỹ trông đợi Philippines và Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của họ theo UNCLOS sau khi phán quyết được công bố.
Về lời đe dọa thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của giới chức Trung Quốc cũng như các chuyến bay phi pháp của nước này đến Trường Sa những ngày vừa qua, bà Willet khẳng định những hành động tiềm ẩn nguy cơ cản trở hoạt động bay bình thường hoặc quyền tự do hàng hải và hàng không là những hành vi “khiêu khích cao độ” và “không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Manila đã cam kết kiềm chế trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Carter từ trước khi PCA ra phán quyết. Trong phản ứng được xem là mạnh mẽ nhất cho đến nay, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua 14.7 kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết và cho biết sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) diễn ra ở Mông Cổ cuối tuần này. “Ông Yasay sẽ thảo luận trong khuôn khổ lịch trình của ASEM về cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật lệ của Philippines, đồng thời yêu cầu các bên tôn trọng phán quyết mới đây”, AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.
Bắc Kinh trước đó kêu gọi không đưa tranh chấp hàng hải vào nghị trình của ASEM, với lập luận rằng đây “không phải là chỗ thích hợp” để trao đổi vấn đề này.
Đáp lại lời kêu gọi của Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua 14.7 tuyên bố phán quyết sẽ “không có tác động gì đến chính sách hiện tại” của Bắc Kinh, đồng thời đe dọa sẽ có “phản ứng cương quyết” với bất kỳ “hành động khiêu khích nào” nhằm vào các lợi ích an ninh của Trung Quốc. Đến tối 14.7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ cử cựu Tổng thống Fidel Ramos đến Trung Quốc đàm phán với Bắc Kinh về phán quyết, nhưng không tiết lộ lịch trình cụ thể.
Kế hoạch khẩn cấp
Theo Reuters, giới chức Mỹ cũng đã bàn đến khả năng ứng phó trong trường hợp chiến thuật vận động ngoại giao không mang lại hiệu quả như mong muốn. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng nếu nỗ lực của Mỹ thất bại và các tranh chấp leo thang thành cuộc đối đầu, các lực lượng hải quân và không quân Mỹ sẵn sàng thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải mới tại Biển Đông. Trước đó, báo chí Mỹ cho biết tính đến đầu tháng này, ít nhất 7 chiến hạm của nước này đang hiện diện trong khu vực, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, 2 tàu tuần dương và 4 tàu khu trục.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin, một thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận định một cuộc đối đầu sẽ khó xảy ra hơn nếu các quốc gia như Philippines và Indonesia hợp tác với Mỹ thay vì hành động một mình. Phát biểu tại một cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ ngày 13.7, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Dennis Blair cho rằng Washington cần hành động cương quyết để bảo vệ bãi cạn Scarborough khỏi tay Trung Quốc. “Mục đích không phải là gây chiến với Trung Quốc mà là xác lập giới hạn đối với hành vi cưỡng ép về quân sự của nước này”, tờ Inquirer dẫn lời ông Blair.
Phán quyết của PCA cũng được dự đoán là nội dung nổi trội tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN sẽ diễn ra tại Lào vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, Kyodo News hôm qua 14.7 dẫn nguồn tin từ ASEAN cho biết khối này đã quyết định không đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào về phán quyết ngày 12.7. Theo nguồn tin, các quốc gia thành viên đã được Lào, nước chủ tịch luân phiên năm 2016, thông báo vào đêm 13.7 rằng ASEAN sẽ không ra một tuyên bố chung do “thiếu đồng thuận”. Nguồn tin từ chối tiết lộ những nước nào phản đối, nhưng Campuchia, nước có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, đã công khai bày tỏ sự không đồng tình với một động thái như vậy.
Tương tự, theo Reuters, khối EU cho đến hôm qua 14.7 vẫn không thể ra được tuyên bố chung về phán quyết vì bất đồng giữa các thành viên trong lời văn của tuyên bố.
VN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng pháp luật quốc tế Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14.7, trước câu hỏi về khả năng Trung Quốc sẽ có hành động gây căng thẳng sau phán quyết vừa qua của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình nhấn mạnh VN kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và không có hành động làm phức tạp tình hình, duy trì hòa bình, ổn định an ninh ở Biển Đông. Liên quan đến thông tin ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết, ông Lê Hải Bình cho biết việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và nhất là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Về thông tin ngày 12.7 Trung Quốc tuyên bố việc máy bay dân sự hạ cánh thành công xuống sân bay tại các đá Xu Bi, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của VN và việc ngày 11.7, Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định đã hoàn thành 4 hải đăng và động thổ xây dựng hải đăng thứ 5 trên các đá thuộc quần đảo, ông Lê Hải Bình tiếp tục nhấn mạnh VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của VN. Trả lời câu hỏi của Hãng tin AP về khả năng khởi kiện Trung Quốc, ông Lê Hải Bình nêu rõ VN chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Cũng tại họp báo, ông Lê Hải Bình đã cho biết một số nội dung chính trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao VN gửi Tòa trọng tài (liên quan đến vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc) ngày 5.12.2014. Tại tuyên bố này, VN bày tỏ ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của UNCLOS 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình. VN đồng thời bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của VN ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền, lợi ích tại các vùng biển được xác định theo công ước. Cũng tại tuyên bố này, VN mong tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. VN đề nghị tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của VN ở Biển Đông và VN sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia. Trả lời câu hỏi về phản ứng của VN trước việc Tổ chức Ân xá quốc tế ra báo cáo về tình hình trại giam tại VN, ông Lê Hải Bình khẳng định các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là hoàn toàn sai sự thật. Theo ông Lê Hải Bình, chính sách nhất quán của VN là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp Hiến pháp VN và chuẩn mực quốc tế. Trường Sơn (ghi) |
Nhiều thành viên ASEAN e ngại Đó là một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế ngày 14.7, khi nhận xét với Thanh Niên về thông tin ASEAN sẽ không đưa ra tuyên bố chung đối với phán quyết ngày 12.7 do PCA đưa ra. Giáo sư James Holmes (chuyên gia của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ): Một tổ chức chỉ có thể đưa ra tuyên bố chung khi đạt được đồng thuận của các thành viên. Nhưng đáng tiếc là ASEAN khó có thể đưa ra một quyết định như thế trước Trung Quốc. Bà Bonnie Glaser (Cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ): Sau những gì xảy ra ở Côn Minh (ý nói cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại TP.Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc), thì không có gì bất ngờ với việc ASEAN không đưa ra tuyên bố chung về phán quyết của PCA. Tuy nhiên, đây là phán quyết dựa trên luật quốc tế, tôi tin rằng Trung Quốc không thể hoàn toàn phớt lờ. Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin (chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore): ASEAN đưa ra tuyên bố dựa trên sự đồng thuận, nên không thể có tuyên bố chung khi nước thành viên là Campuchia không dưới một lần cho biết sẽ từ chối đồng ý một công bố chung của ASEAN về phán quyết của PCA. Nếu cố tạo áp lực để đạt được đồng thuận thì ngược lại sự chia rẽ càng lớn hơn. Tiến sĩ Satoru Nagao(chuyên gia của Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản): Có thể nhiều thành viên trong ASEAN biết rằng đây là cơ hội để tạo ra sự đồng thuận. Nhưng cũng có các thành viên lo ngại khi thấy rằng không có lực lượng “thi hành án” thực thi phán quyết. Vì thế, những thành viên lo ngại sẽ muốn chờ đợi thái độ của một số bên, như Mỹ. Tiến sĩ Patrick Cronin(Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới): Các thành viên ASEAN có quan hệ bất đối xứng trong vấn đề về Biển Đông. Tuy nhiên, khối này cần phải đạt được đồng thuận trong các vấn đề quan trọng như phán quyết của PCA, bởi những nền tảng như thế giảm thiểu nguy cơ giải quyết tranh chấp bằng vũ lực. Ngô Minh Trí (thực hiện) |
Trùng Quang