Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân của mình gồm 4 tàu chiến tới tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) được tổ chức với sự góp mặt của 25.000 thủy thủ, 200 máy bay và gần 50 tàu chiến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia vào cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới này là động thái mới nhất của chính quyền Obama nhằm khuyến khích Bắc Kinh đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ ngày càng nhiều người tỏ ra nghi ngờ về ý thức của Trung Quốc trong việc xây dựng, đóng góp và gìn giữ hòa bình, an ninh trên thế giới và trong khu vực, và họ kêu gọi chính phủ Mỹ phải đánh giá lại một cách thận trọng hơn chính sách tổng thể đối với Trung Quốc kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1979 đến nay.
Hải quân 20 nước tham gia cuộc diễn tập RIMPAC 2014
Để làm rõ thêm về những nguy cơ có thể xảy ra nếu Mỹ không kiềm chế được tham vọng bành trướng ngang ngược của Trung Quốc, cũng như những khả năng mà Mỹ có thể thực hiện để hóa giải nguy cơ đó, ông Michele Flournoy, đồng sáng lập Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách từ năm 2009-2012 và chuyên gia phân tích Ely Ratner đã có bài bình luận thú vị đăng trên tờ Washington Post.
Chính sách hiện nay của Mỹ đối với Trung Quốc được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng việc Trung Quốc tham gia vào trật tự an ninh và kinh tế quốc tế không chỉ đem lại lợi ích cho Trung Quốc mà còn cho Mỹ và cả thế giới.
Với quan điểm trên, Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc tham gia vào các thể chế đa phương hàng đầu, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới, đòng thời tăng cường quan hệ song phương với Bắc Kinh thông qua các diễn đàn ngoại giao, chẳng hạn như Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (SED) sắp diễn ra ở Bắc Kinh.
Theo lý thuyết của Mỹ, với quá trình này, vai trò của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế sẽ ngày càng tăng lên theo thời gian, và họ sẽ có nhiều đóng góp hơn cho sự ổn định và duy trì các nguyên tắc, thông lệ đã có, chẳng hạn như tự do hàng hải trên biển hay giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các chiến lược gia Mỹ tin rằng điều đó sẽ biến Trung Quốc thành một “thành viên có trách nhiệm” trên trường quốc tế.
Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ là thành viên có trách nhiệm hơn trên thế giới
Nhưng rủi thay, đó vẫn chỉ là lý thuyết mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ vẽ ra. Cùng với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế như vũ bão trong nhiều thập kỷ qua, giờ đây Bắc Kinh không hề giấu giếm tham vọng sẽ vượt mặt Mỹ, và đi kèm theo đó là chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng, gây hấn.
Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền tới nay, Trung Quốc đã ngày càng lấn tới một cách quyết liệt trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông, gần như dẹp bỏ hoàn toàn tuyên bố “gác tranh chấp” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ rằng sự phát triển kinh tế của họ phụ thuộc rất lớn vào môi trường ổn định của khu vực, bởi vậy họ cố tìm cách thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình mà không gây ra chiến tranh.
Họ hiện thực hóa tính toán này bằng cách điều các lực lượng bán vũ trang như hải cảnh, tàu cá ngụy trang tới chiếm các bãi cạn và đảo nhỏ trên Biển Đông, đơn phương áp đặt cơ chế quản lý hành chính đối với những lãnh thổ mà họ chiếm đoạt của nước khác, biến các rặng đá ngầm thành cơ sở quân sự, và ngang ngược kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc thực hiện tất cả những hành động trên với mưu đồ thay đổi hiện trạng tại châu Á được tính toán một cách cẩn thận để không gây ra phản ứng quân sự từ các nước láng giềng và cả Mỹ.
Tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam gần giàn khoan Hải Dương 981
Tuy nhiên điều nguy hiểm nằm ở chỗ nếu sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc không bị kiềm chế, nó sẽ làm thay đổi căn bản trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập ở châu Á nhằm đảm bảo sự ổn định và lợi ích sống còn của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác. Mỹ chưa nhận ra rằng nước đang dâng lên xung quanh mình, cho tới khi nước ngập quá chân thì không còn có thể nhảy được nữa.
Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm về chiến thuật có thể leo thang nhanh chóng thành khủng hoảng, thậm chí là xung đột.
Vậy Mỹ sẽ phải phản ứng như thế nào trước chính sách đầy nguy hiểm này của Trung Quốc? Chuyên gia Flournoy cho rằng trước hết Mỹ vẫn cần phải xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Trung Quốc, bởi việc từ bỏ và cô lập Bắc Kinh chỉ càng khiến nước này càng thêm hung tợn và đối đầu với Mỹ trên một loạt lĩnh vực, từ lợi ích kinh tế cho tới an ninh.
Tuy nhiên, Mỹ phải luôn ghi nhớ rằng họ phải chấm dứt các hành động gây bất ổn của Trung Quốc, nếu không muốn để “nước đến chân vẫn chưa nhảy”. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có những bước đi rõ ràng để thực thi một cách thường xuyên trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế ở châu Á.
Mỹ có thể bắt đầu bằng việc ủng hộ việc xây dựng một cơ chế ngăn ngừa các hành động phiêu lưu trên biển và tạo điều kiện cho các quốc gia trong khu vực kiểm soát tốt hơn vùng biển ven bờ của mình. Ngoài ra, Mỹ nên hỗ trợ các quốc gia phát triển hệ thống phòng thủ để có thể đối phó một cách vững vàng trước mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc.
Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines trong bảo vệ Biển Đông
Những biện pháp quân sự này cần phải đi đôi với nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng những quy tắc cho lộ trình quản lý tranh chấp trên biển. Cụ thể hơn, Mỹ sẽ phải vạch ra một cơ chế quản lý khủng hoảng mới nếu Bắc Kinh tiếp tục cố tình trì hoãn việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Washington cũng phải suy nghĩ một cách sáng tạo về khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án trọng tài quốc tế, nơi Philippines đang đệ đơn kiện Trung Quốc. Dù các tổ chức trọng tài quốc tế này thiếu cơ chế thực thi phán quyết, nhưng Mỹ vẫn có thể tác động đến các tính toán của Trung Quốc bằng cách coi việc tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc có thể tham dự các cuộc tập trận quốc tế như RIMPAC hay các tổ chức đa phương như Hội đồng Bắc Cực.
Ngoài ra, Mỹ phải khai thác các phương tiện khác để gây sức ép kinh tế lên các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc vốn là thành phần đồng lõa trong các hành động hung hăng, ngang ngược của Bắc Kinh trên biển.
Trong khi tình hình ở châu Á đang ngày càng căng thẳng, đây là những bước đi cần thiết mà Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải có để răn đe Trung Quốc, giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực chiến lược này.
Nguồn tin: Báo Lao động - Xã Hội